Ngành điều hạ mục tiêu xuất khẩu vì Covid-19
Chủ tịch Vinacas cho rằng, Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu điều và tiêu thụ nội địa.
Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) nhận định: Nhu cầu tiêu dùng nhân điều toàn cầu từ nay đến cuối năm 2020 vẫn là dấu hỏi lớn, bởi hạt điều không phải là sản phẩm thiết yếu, không thể thay thế. Thực tế, tiêu thụ điều trong nhà hàng, các cơ sở lưu trú, khách sạn, du lịch giảm do giãn cách xã hội bởi đại dịch Covid-19.
Chủ tịch Vinacas cho rằng, Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu điều và tiêu thụ nội địa. Theo đó, xuất khẩu điều nhân của Việt Nam trong năm 2020 chắc chắn sẽ giảm mạnh cả về lượng và kim ngạch. Kế hoạch 4 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2020 của ngành điều Việt Nam phải điều chỉnh giảm.
Đến thời điểm hiện tại, Vinacas đặt mục tiêu xuất khẩu cả năm là 450 nghìn tấn nhân điều các loại với trị giá xuất khẩu 3,2 tỷ USD (6 tháng đầu năm đã đạt 51,65% kế hoạch đề ra). Trong khi đó, cuối năm 2019 khi đề ra mục tiêu xuất khẩu năm 2020, con số được ngành điều hướng tới là 4 tỷ USD.
Ngành điều hạ mục tiêu xuất khẩu vì Covid-19
Vinacas đưa ra dự báo 2 kịch bản có thể xảy ra trong 6 tháng cuối năm theo chiều hướng trái ngược. Kịch bản tốt là đại dịch Covid-19 bị ngăn chặn, thế giới phát minh ra vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị bệnh. Chuỗi cung ứng toàn cầu bình thường trở lại. Nhu cầu thị trường Trung Quốc bình thường trở lại.
Kịch bản xấu là làn sóng Covid-19 lần thứ 2 có thể xảy ra, dẫn đến những tác động tiêu cực và bất khả kháng không thể lường trước được. Chuỗi cung ứng điều toàn cầu tiếp tục bị phân mảnh.
Nhu cầu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc tiếp tục ảm đạm, đặc biệt ở giai đoạn cao điểm cuối năm. Nhu cầu tiêu dùng thị trường nội địa Ấn Độ tiếp tục bị ảnh hưởng, đặc biệt trong giai đoạn diễn ra những lễ hội quan trọng, mùa cưới, mùa đông,...
Bên cạnh đó, tình trạng nguyên liệu cập cảng xếp đầy trong các kho ngoại quan tại Việt Nam và Ấn Độ có thể xảy ra do thanh khoản thấp, không người mua nào có khả năng mua đầu cơ trong dài hạn,...
Ngoài ra, Chính phủ Bờ Biển Ngà thay đổi chính sách và cho phép “xả hàng” ở giai đoạn nhạy cảm, có thể làm giá điều giảm sâu và nhiều doanh nghiệp có thể thua lỗ. Bên cạnh đó, công suất chế biến tiếp tục tăng trong khi thanh khoản trên thị trường điều nhân thấp cũng là sức ép để giảm giá, điều này sẽ không có lợi cho toàn ngành.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hạt điều đạt 223.000 tấn và 1,47 tỷ USD, tăng 14,4% về khối lượng nhưng giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) thông tin thêm, trong số 3 thị trường xuất khẩu nhân điều trọng điểm của Việt Nam (gồm Mỹ, châu Âu, Trung Quốc), chỉ có Trung Quốc tiêu thụ giảm mạnh so với 6 tháng đầu năm 2019, còn lại Mỹ, châu Âu thanh khoản duy trì ở mức tốt.
"Nhìn vào những con số có thể thấy xuất khẩu 6 tháng đầu năm là khả quan khi tăng về lượng nhưng theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, con số này chưa phản ánh đúng thực tế thị trường. Lượng hàng xuất khẩu không có thị trường đích (hàng đưa vào kho ngoại quan chờ xuất) còn rất cao”, Vinacas đánh giá.
Ngoài ra, một nghịch lý vẫn diễn ra như mọi năm, đó chính là ở một số thời điểm, cùng một mã hàng, giá điều nhân mua bán nội địa cao hơn từ 15-20% so với giá xuất khẩu. Điều này đã làm cho tình hình kinh doanh của một số doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp thuần thương mại xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo