Ba tập đoàn nước ngoài cam kết đầu tư 3,7 tỷ USD vào Việt Nam trong năm nay
Các nhà đầu tư đến từ Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong các lĩnh vực như sản xuất xanh, sản xuất năng lượng tái tạo, sản xuất trong lĩnh vực thiết bị y tế.
Trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài sáng 22/4, đã có 3 tập đoàn trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ đầu tư mới và mở rộng đầu tư trong năm nay với tổng vốn đầu tư lên đến 3,7 tỷ USD.
Theo Phó Thủ tướng Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, đó là các nhà đầu tư đến từ Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong các lĩnh vực như sản xuất xanh, sản xuất năng lượng tái tạo, sản xuất trong lĩnh vực thiết bị y tế. Sản xuất xanh, sản xuất năng lượng tái tạo khoảng 1,5 tỷ USD, sản xuất trang thiết bị y tế khoảng 600 triệu USD; sản xuất năng lượng, logictics khoảng 1,6 tỷ USD.
Theo ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), từ sau khi kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng Chính phủ cũng như rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc coi Việt Nam là đối tác hợp tác tốt nhất của mình.
Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đang đa dạng hóa cơ cấu đầu tư từ sản xuất chế tạo sang công nghiệp dịch vụ, gần đây đã tăng tỷ trọng đầu tư vào các ngành công nghệ cao, vốn trước đây chỉ tập trung vào các ngành thâm dụng lao động nên chúng ta có thể kỳ vọng vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh và các cơ hội đầu tư mới sẽ tiếp tục tăng lên.
Theo ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến và thương mại Nhật Bản (Jetro) Hà Nội, các doanh nghiệp Nhật Bản rất sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam. Thep khảo sát của JETRO, 47% số người được hỏi cho biết họ sẽ mở rộng kinh doanh trong 1 - 2 năm tới. Trước đó, con số này là 55% vào năm 2021 và 60% vào năm 2022.
“Chúng tôi thấy có rất nhiều cơ hội đầu tư, JETRO sẽ thúc đẩy hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam. Ví dụ như hợp tác với Denso, Nagase và Gakken,… Chúng tôi mong muốn chứng kiến nhiều hơn dòng vốn FDI vào các vùng như: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Thái Bình. Đây là cơ hội để phát triển nền kinh tế địa phương”, ông Takeo Nakajima cho biết.
Tại hội nghị, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành cũng đã giải đáp cụ thể các vấn đề cụ thể mà các đại biểu quan tâm.
Về vấn đề OECD áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, theo Thủ tướng, Việt Nam luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp và chủ động, tích cực tham gia các cam kết chung của quốc tế, trong đó có các cam kết về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD (trong khuôn khổ Sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận của OECD).
Chính phủ đã và đang chỉ đạo khẩn trương rà soát, có các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế trên cơ sở không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên, bảo đảm ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp (như hỗ trợ liên quan đến đất đai; chi phí nghiên cứu khoa học và công nghệ; cải cách thủ tục hành chính; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng…) để khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư mới.
Đồng thời, tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và áp dụng phù hợp với Việt Nam trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về các vấn đề khác, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang trình Quốc hội xử lý các vấn đề liên quan thị thực. Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có giải đáp về vấn đề lao động. Các cơ quan đang tiếp tục xử lý các vấn đề liên quan tới phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an, Bộ Xây dựng và các Bộ ngành liên quan), thuốc, vật tư y tế (Bộ Y tế), năng lượng (quy hoạch điện VIII, điện gió, điện mặt trời, điện áp mái, thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp) (Bộ Công Thương), thủ tục cấp phép vận hành các cơ sở giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường),…
Nguyễn Liên