0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ năm, 06/10/2022 08:00 (GMT+7)

200 nhà máy phân bón bị loại bỏ khỏi thị trường

Cục Bảo vệ thực vật cho biết đã loại bỏ khỏi thị trường 200 nhà máy phân bón do không đáp ứng được yêu cầu theo Nghị định 84 về quản lý phân bón, hoặc chủ doanh nghiệp chủ động xin rút do nhà máy ngừng hoạt động từ lâu.

tm-img-alt
Kiểm tra, phát hiện và xử phạt một đại lý kinh doanh phân bón giả tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang

Tại cuộc Họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, những năm gần đây, nạn phân bón giả được kiểm soát, số lượng giảm đi nhiều.

Hàng năm, Cục Bảo vệ thực vật cũng tổ chức thanh tra các cơ sở, đồng thời liên tục có văn bản, chỉ đạo cơ quan thanh tra, các sở thanh tra kiểm soát loại hình vật tư, phát hiện nhanh chóng, kịp thời phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Cũng tại cuộc họp này, ông Hoàng Trung cho biết, trong gần 600 nhà máy sản xuất phân bón chuyển từ Bộ Công Thương và hơn 200 nhà máy do Cục Trồng Trọt và Cục BVTV (Bộ NNPTNT) cấy giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, qua rà soát, đến nay có gần 200 nhà máy sản xuất phân bón bị loại bỏ.

Lý giải nguyên nhân 200 nhà máy sản xuất phân bón bị loại bỏ, ông Hoàng Trung chỉ ra 3 yếu tố: Thứ nhất, các nhà máy sản xuất phân bón không đáp ứng các yêu cầu của Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định về quản lý phân bón; Thứ hai, bản thân nhiều nhà máy đã không làm từ lâu; Thứ ba, một số các chủ doanh nghiệp xin rút.

"Hiện nay Cục BVTV đang làm quyết liệt để cuối năm nay có số liệu chuẩn về số lượng phân bón được lưu hành và các nhà máy, cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất" – ông Hoàng Trung nói.

tm-img-alt
Trong vòng 5 năm có đến 200 nhà máy phân bón bị loại khỏi thị trường

Theo cơ quan chức năng, thời gian qua, tình hình vi phạm trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp vẫn còn xảy ra, nhất là tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng hoặc sản xuất, kinh doanh phân bón chưa có quyết định công nhận phân bón được phép lưu hành tại Việt Nam. Đặc biệt là sau thời điểm xảy ra xung đột giữa Nga - Ukraine, giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao thì tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng có chiều hướng tăng so với trước đây.

Do đó, bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ từ cơ quan chức năng, thì người tiêu dùng, nhà sản xuất điều chỉnh lựa chọn hàng hóa khi mua, sắm và đặc biệt quan tâm đến chất lượng khi đưa hàng hóa lưu thông trên thị trường. Người dân nên chọn mua phân bón tại những cơ sở uy tín, mặt hàng có thương hiệu, bao bì rõ ràng.

Trước đó, trong 9 tháng năm 2022, Cục Quản lý thị trường Long An đã thực hiện kiểm tra đối với 145 cửa hàng, đại lý kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lấy 55 mẫu phân bón kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả kiểm nghiệm có 18/55 mẫu không đảm bảo chất lượng. Trong đó, có 7 mẫu phân bón là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng, 11 mẫu phân bón có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Còn tại Đồng Nai, từ tháng 6/2022 đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành 389/ĐP huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) do Đội Quản lý thị trường số 6 chủ trì và làm Trưởng đoàn triển khai thực hiện kiểm tra và lấy mẫu phân bón gửi giám định chất lượng. Kết quả xử lý 04 vụ, phạt tiền 135 triệu đồng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm nhãn là 42,1 triệu đồng, buộc tiêu hủy 2.450 kg phân bón giả; 03 vụ kinh doanh phân bón kém chất lượng, phạt tiền 3.750.000 đồng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm nhãn là 63,9 triệu đồng…

Anh Minh 

Bạn đang đọc bài viết 200 nhà máy phân bón bị loại bỏ khỏi thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới