0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 09/03/2022 06:59 (GMT+7)

Giá phân bón lập đỉnh 50 năm, nông dân 'khóc ròng'

Hiện nay, giá phân bón liên tục tăng cao và chính thức lập đỉnh mới trong vòng 50 năm. Nỗi lo về chi phí đầu vào trước vụ sản xuất mới khiến bao người nông dân đứng ngồi không yên.

Giá phân bón tăng "phi mã"

Ngày 7/3, giá phân bón bán tại thị trường trong nước đã chính thức lập đỉnh mới, trong vòng 50 năm. Tình trạng này được cho là có liên quan đếnvấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine. Trong đó, Nga (cùng với Trung Quốc) là hai nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới đã hạn chế bán ra để ổn định thị trường nội địa.

Ngoài ra, một phần do tác động bởi giá dầu khí tăng mạnh. Khí thiên nhiên chiếm đến 90% chi phí sản xuất amoniac. Liên minh châu Âu áp lệnh trừng phạt lên Belarus, chiếm 20% sản lượng cung kali toàn cầu, cũng gia tăng quan ngại đến thị trường phân bón.

tm-img-alt
Giá phân bón tăng cao và chính thức lập đỉnh mới trong vòng 50 năm. Ảnh minh họa.

Theo các công ty nhập khẩu phân bón, đối với mặt hàng phân Urea, các bản chào ở mức giá 540 - 560 USD (giá FOB) đều đã bị hủy. Hiện các nhà cung cấp ở khu vực Đông Nam Á đã hết hàng cho đến giữa tháng 4, và mới nhất ngày 3.3 thì nhà máy Urea hạt đục của Brunei tuyên bố tình trạng bất khả kháng để từ chối thực hiện các đơn hàng đã chốt giá rẻ trong tháng 2.

Riêng Việt Nam mới chỉ có khoảng 3 tàu đã nhận hàng thành công, còn khoảng 30.000 - 40.000 tấn đã bị hủy giao dịch. Các nhà cung cấp ở Trung Đông quyết định tạm dừng các bản chào để theo dõi diễn biến thị trường. Trung Quốc cũng sẽ đứng ngoài cuộc chơi ít nhất đến tháng 6 và nguồn hàng từ Nga, Ukraine thì không còn cửa ra thế giới do cấm vận và tình hình chiến sự tiếp tục leo thang.

Một số doanh nghiệp dự báo trong ngắn hạn, giá Urea sẽ sớm quay trở lại mức 800 USD/tấn trong tháng 4, thậm chí có thể lên đến 1.000 USD/tấn nếu giá dầu lên 150 USD/thùng.

Hiện Nga là nhà cung cấp phân bón lớn chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng nhu cầu phân bón trên toàn thế giới, đặc biệt Nga cung cấp đến 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại châu Âu.

Mặt khác, các lệnh hạn chế/cấm xuất khẩu một số mặt hàng phân bón chủ lực của Nga và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được dỡ bỏ khiến nguồn cung các loại phân bón nhập khẩu đặc biệt là Kali và DAP sẽ giảm nghiêm trọng trong thời gian tới, trong khi từ tháng 3, khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu vụ mới sẽ càng làm trầm trọng thêm tình hình.

Nông dân chật vật

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Nội), chi phí phân bón chiếm 15-22% cơ cấu giá thành sản xuất lúa, rau màu các loại. Do đó, giá phân bón tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người làm nông.

Đặc biệt, hiện nay miền Bắc thì đang vào vụ chăm bón lúa đông xuân nên nhu cầu phân bón tăng cao. Cùng với sự tắc nghẽn của thị trường nhập khẩu, các doanh nghiệp dự báo sẽ xảy ra sự thiếu hụt trầm trọng phân bón trong quý II/2022, đẩy giá phân ngày càng tăng cao hơn.

tm-img-alt
Giá phân bón tăng mạnh, nông dân đứng ngồi không yên. Ảnh minh họa.

Đối với mặt hàng Urea, các nhà máy sản xuất trong nước trong đó chủ đạo là Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ đã xuất khẩu khoảng 200.000 tấn từ cuối tháng 12/2021 và quý I/2022 nên áp lực tồn kho lên các nhà sản xuất là không lớn.

Sau những biến động chính trị, hiện các đại lý cũng hạn chế cung cấp số lượng lớn và chỉ bán cầm chừng. Nhiều khả năng giá đạm Urea sẽ sớm tăng trở lại mức 18 triệu đồng/tấn như đỉnh năm 2021.

Đối với mặt hàng Kali, vì 100% đều dựa vào nguồn hàng nhập khẩu nên tình hình tắc nghẽn nguồn hàng từ Nga, Belarus sẽ khiến giá Kali sớm cán mức 15 - 16 triệu đồng/tấn cho hạt bột và 18 - 20 triệu đồng/tấn cho hạt miểng. Thậm chí nếu giá nhập khẩu cán mức 1.000 - 1.200 USD/tấn thì Kali miểng sẽ lập đỉnh mới 24 - 25 triệu đồng/tấn.

Theo khảo sát từ thị trường tỉnh Cao Bằng, năm 2022, các loại giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng giống, phân bón nhập khẩu khan hiếm nguồn cung khiến giá tăng rất cao, trong đó có nhiều sản phẩm hiện đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

Xác định thời điểm bắt đầu triển khai gieo trồng vụ đông xuân là thời điểm nhu cầu phân bón tăng cao, để bảo đảm nguồn phân bón các loại cung ứng kịp thời cho bà con nông dân sản xuất vụ đông xuân, ngay từ cuối năm 2021, các đơn vị, đại lý, cơ sở kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động dự trữ nguồn hàng với nhiều chủng loại, bảo đảm chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc CTCP Vật tư nông nghiệp Cao Bằng thông tin: Hằng năm, dựa trên kế hoạch gieo trồng, Công ty chủ động tập kết đủ lượng phân bón các loại, kịp thời cung ứng sản xuất theo thời vụ ngay từ cuối tháng 12/2021.

Đến nay, Công ty đã tập kết dự trữ hơn 7.000 tấn phân bón các loại và vận chuyển đến các cửa hàng, đại lý trên địa bàn tỉnh để cung ứng kịp thời cho nông dân. Công ty đã cung ứng hơn 1000 tấn phân đạm, hơn 4.000 tấn phân NPK Lâm Thao, 37 tấn  kaly, gần 600 tấn supe lân... Đồng thời, Công ty tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân các cấp cung ứng hơn 300 tấn phân bón các loại cho nông dân theo hình thức chậm trả để nông dân kịp thời sản xuất vụ đông xuân.

Qua khảo sát tại các đại lý phân bón trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, giá các loại phân bón đang ở mức rất cao, riêng các mặt hàng đạm tăng mạnh nhất (tăng hơn 100% so năm 2021).

Cụ thể, đạm Phú Mỹ giá 875.000 đồng/bao loại 50kg, đạm xanh Khánh Sinh 448.000 đồng/bao 25kg, đạm Hà Bắc giá 870.000 đồng/bao, NPK Khánh Sinh giá bán lẻ từ 160.000 - 400.000 đồng/bao 25kg, NPK Lâm Thao giá bán từ 160.000 - 245.000 đồng/bao 25kg, phân bón đầu trâu 530.000 đồng/bao, phân bón thuốc 600.000 đồng/bao, NPK Văn Điển có giá từ 240.000 - 243.000 đồng/bao loại 25kg,… 

Cùng với các mặt hàng phân bón, thị trường giống năm nay giá cũng tăng lên từ 5 - 6% so với năm 2021.

Chia sẻ với báo chí, ông Đặng Bá Long, Giám đốc công ty phân bón Điền Trang, nhận định: “Giá phân bón hóa học tăng cao trong khi giá bán nông sản trong nước lại không tăng, đặc biệt các loại trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc như mít, thanh long lại bị ách tắc rớt giá khiến nông dân chịu sức ép “trên đe dưới búa”. Những doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ như chúng tôi cũng gặp tình trạng khó khăn do nông dân bỏ vườn, giảm chăm sóc”.

Đối với các biện pháp bình ổn, ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Vinacam, cho biết: “Các loại Kali, DAP, Urea nhập khẩu tăng giá thì sẽ kéo theo giá NPK song hành. Nông dân dường như đã hết kêu cứu nổi và chỉ còn biết tự cứu mình bằng cách giảm sản xuất hoặc giảm chi phí đầu tư. Các cơ quan quản lý Nhà nước có thể ra tay can thiệp bằng cách bỏ thuế nhập khẩu và thuế phòng vệ, hạn chế xuất khẩu, tình hình Urea và DAP chắc chắn sẽ giảm nhiệt.

Bạn đang đọc bài viết Giá phân bón lập đỉnh 50 năm, nông dân 'khóc ròng'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới