Giá vàng hôm nay 1/3: Tiếp đà tăng theo căng thẳng chính trị, xác lập tháng tốt nhất trong 9 tháng
Trên thị trường thế giới, giá vàng tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch sáng nay, sau khi việc phương Tây áp thêm lệnh trừng phạt đối với Nga thúc đẩy giới đầu tư tìm đến tài sản trú ẩn an toàn như vàng.
Trong phiên giao dịch sáng ngày 1/3, giá vàng giao ngay tăng 1,08% lên 1.909,6 USD/ounce vào lúc 3h56 (giờ Việt Nam), theo kitco. Giá vàng giao tháng 4 cũng tăng 1,23% lên 1.910,8 USD.
Giá vàng đã tăng trở lại trên 1.900 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (28/2), sau khi việc phương Tây áp thêm lệnh trừng phạt đối với Nga làm dấy lên lo ngại về gián đoạn nguồn cung và thúc đẩy giới đầu tư tìm đến tài sản an toàn như vàng. Đầu phiên có thời điểm giá tăng tới 2,2%.
Vàng, thường được coi là nơi lưu trữ giá trị trong thời điểm bất ổn chính trị và tài chính, đã tăng khoảng 6,5% trong tháng 2. Kim loại quý đã lên mức cao nhất trong 18 tháng là 1.973,96 USD vào tuần trước.
Theo ông Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao tại Kitco Metals, khi căng thẳng địa chính trị thực sự leo thang, vàng vẫn là tài sản trú ẩn an toàn chính vượt trội hơn so với các loại tiền điện tử và thậm chí các tài sản khác như trái phiếu.
Thị trường tài chính trượt dốc và giá dầu tăng vọt khi các đồng minh phương Tây tăng cường trừng phạt Nga bằng các biện pháp trừng phạt mới.
Đáp lại, ngân hàng trung ương Nga hôm 28/2 đã có động thái che chắn nền kinh tế khi cuộc tấn công Ukraine vẫn tiếp tục, tăng cường các biện pháp khác gồm cả việc đảm bảo sẽ tiếp tục mua vàng trên thị trường trong nước.
Hôm 27/2, Ngân hàng trung ương Nga cho biết họ sẽ bắt đầu mua vàng trở lại trên thị trường nội địa từ ngày 28/2, chỉ chưa đầy hai năm sau khi cơ quan này kết thúc một làn sóng mua kéo dài đã giúp tăng giá vàng trong thập kỷ trước.
Trên các thị trường kim loại quý khác, giá palladium đã tăng 5,1% lên 2.488,20 USD. Trong phiên có thời điểm giá lên tới 2,551,50 USD.
Kim loại họ bạch kim xác lập tháng tăng thứ 3 liên tiếp, nhờ lo ngại về sự gián đoạn của nguồn cung dưới ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine.
Công ty Nornickel của Nga là nhà cung cấp palladium lớn nhất thế giới, kim loại được các nhà sản xuất ô tô sử dụng cho các bộ chuyển đổi xúc tác.
Ông Eric Scoles, chiến lược gia thị trường tại Blue Line Futures, cho biết khi các lệnh trừng phạt gia tăng đối với Nga và căng thẳng leo thang, nó tạo ra mối đe dọa khan hiếm (đối với nhóm kim loại bạch kim).
Thâm hụt nguồn cung palladium chắc chắn có thể gia tăng nếu Mỹ không hợp tác kinh doanh với các nhà sản xuất lớn, ông Scoles nói thêm.
Giá bạc giao ngay cũng tăng 0,5% lên 24,31 USD, trong khi giá bạch kim giảm 1,6% xuống 1.037,51 USD. Cả hai kim loại này đều ghi nhận một tháng tăng trong tháng 2, theo Reuters.
Trong một báo cáo được công bố hôm thứ Hai, các nhà phân tích tại Heraeus, nói rằng mặc dù giá vàng có thể tăng cao hơn như một tài sản trú ẩn an toàn nhưng đà tăng này không bền vững.
Các nhà phân tích cho biết: “Vẫn chưa chắc chắn cuộc khủng hoảng có thể kéo dài bao lâu và điều đó có thể giữ giá vàng được hỗ trợ trong một thời gian. Tuy nhiên, khi tình hình Ukraine ổn định, giá kim loại quý có thể trượt dài hơn nữa".
Với thị trường trong nước, cập nhật giá vàng lúc 7h17 sáng ngày 1/3 như sau:
Vàng DOJI Hà Nội giá mua vào 64,800 giá bán ra 65,800.
Vàng DOJI Sài Gòn giá mua vào 64,800 giá bán ra 65,900
Vàng SJC PHÚ QÚY giá mua vào 64,850 giá bán ra 65,750
Vàng SJC TP HCM giá mua vào 65,150 giá bán ra 65,950