0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Xuất nhập khẩu tăng mạnh nhờ CPTPP và EVFTA

Năm 2019, Việt Nam xuất siêu 1,6 tỉ USD sang các nước CPTPP, trong khi năm 2018 nhập siêu 0,9 tỉ USD. Một tháng sau EVFTA, 7.200 bộ C/O đã được cấp với kim ngạch 277 triệu USD.

Chiều 23/9, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với Chính phủ về việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA). Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo tổng quan tình hình và khẳng định, việc tham gia các FTA đã tạo thêm động lực và mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế.

Cụ thể, thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa, còn thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA.

Cùng với việc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2007, việc thực thi các FTA góp phần thúc đẩy GDP tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%.

xuat nhap khau tang manh nho cptpp va evfta
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh báo cáo tại buổi làm việc. (Ảnh: Bộ Công Thương)

"Năm 2019, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm tốc do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại toàn cầu và cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn, Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức cao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 vượt mốc 500 tỉ USD", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Trong đó, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và 10 nước CPTPP đạt 77,4 tỉ USD, tăng 3,9% so với năm 2018. Thống kê cho thấy năm 2019, Việt Nam xuất siêu 1,6 tỉ USD sang các nước này, trong khi năm 2018 nhập siêu 0,9 tỉ USD.

Tính riêng kim ngạch xuất nhập khẩu sang 2 thị trường mới chưa có FTA trước đây là Canada và Mexico, Việt Nam xuất siêu hơn 5 tỉ USD, tương đương 50% tổng giá trị xuất siêu năm 2019. Trong đó, xuất khẩu sang Canada tăng 29,8%, Mexico tăng 26,3%.

Trong khi đó, với EVFTA, trong vòng 1 tháng từ khi hiệp định này có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU.

Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới EU, thông quan và được hưởng ưu đãi từ EVFTA.

Trước đó, trong năm 2019, Việt Nam đã cấp 21.163 C/O mẫu CPTPP cho hàng hóa xuất khẩu đi các nước thành viên, với tổng giá trị hàng hóa gần 600 triệu USD.

Tuy vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ở các nước đối tác CPTPP phần lớn còn thấp. Mức cao nhất chỉ đạt 2,8% tại thị trường Nhật Bản. Do vậy, ông cho rằng còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng xuất khẩu, nâng cao thị phần tại các thị trường này.

Bên cạnh những cơ hội có được, các thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá việc tham gia các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới còn nhiều hạn chế và thách thức.

Cụ thể, giá trị gia tăng đóng góp trong chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam còn thấp, đồng thời tỉ lệ tận dụng C/O chưa cao. Chưa kể, Việt Nam cũng phải đối mặt các thách thức về rào cản kỹ thuật, xử lý tranh chấp trong tương lai, cũng như các vấn đề về lao động, sở hữu trí tuệ, tham nhũng.

Chính Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, nhận thức của một bộ phận người dân và doanh nghiệp về những cơ hội do FTA mang lại còn hạn chế, tạo ra thách thức trong việc triển khai và nắm bắt cơ hội.

Hiện Chính phủ tiếp tục rà soát để hoàn thiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi các FTA, đặc biệt là việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để bảo đảm phù hợp với hiệp định.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý cần đẩy nhanh xuất khẩu tận dụng các ưu đãi từ những FTA này, trong đó chú ý các rào cản phi thuế quan. Song song đó, các cơ quan liên quan cũng phải giúp đỡ ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là những ngành có ưu thế.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Xuất nhập khẩu tăng mạnh nhờ CPTPP và EVFTA. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Tin mới