Xuất khẩu xoài, ổi Việt Nam sang Australia tăng mạnh
Việc đưa xoài vào một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới là những tín hiệu đáng mừng đối với quả xoài nói riêng và ngành hàng rau quả nói chung.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) vừa công bố Báo cáo thị trường nông, lâm, thủy sản nhất ngày 31/8/2020 dẫn số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC).
Theo đó, nhập khẩu quả ổi, quả xoài tươi và khô (mã HS 080450) của Australia trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 318,9 tấn, trị giá 1,2 triệu USD, giảm 10,6% về lượng và giảm 6,1% về trị giá so với cùng kì năm 2019. Giá nhập khẩu bình quân quả ổi, quả xoài tươi và khô của Australia đạt 3.793,7 USD/ tấn, tăng hơn 5% so với cùng kì năm 2019.
Đáng chú ý, nửa đầu năm 2020, Australia nhập khẩu quả ổi, quả xoài tươi và khô chủ yếu từ thị trường Việt Nam, đạt 100,3 tấn, trị giá 295.000 USD, tăng 130,5% về lượng và tăng 99,3% về trị giá.
Xuất khẩu xoài, ổi Việt Nam sang Australia tăng mạnh
Giá nhập khẩu bình quân chủng loại quả này từ Việt Nam đạt 2.941,9 USD/tấn, giảm 13,5% so với cùng kì năm 2019.
Tỉ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 31,4% tổng lượng nhập khẩu, tăng 19,2 điểm phần trăm so với cùng kì năm 2019.
Với tín hiệu tích cực, Bộ Công thương cho rằng, việc đa dạng hóa nguồn cung xuất khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu xoài vào một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới là những tín hiệu đáng mừng đối với quả xoài nói riêng và ngành hàng rau quả nói chung.
Đặc biệt trong bối cảnh thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn của Việt Nam là Trung Quốc đang tạm ngừng nhập khẩu chủng loại xoài của Việt Nam.
6 tháng đầu năm nay 2020, nhìn chung hàng xuất khẩu sang thị trường Australia có đến 2/3 nhóm hàng tăng trưởng dương về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019 bao gồm: Dầu thô tăng 446,97%, đạt 80,72 triệu USD; chất dẻo và nguyên liệu tăng 139%, đạt 5,44 triệu USD; Sản phẩm hóa chất tăng 77 đạt 21,80 triệu USD; gạo tăng 68%, đạt 7,,53 triệu USD.
Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường này lại giảm nhẹ ở một số nhóm hàng sau: Phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 59% so với cùng kỳ, chỉ đạt 26,42 triệu USD; đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 30%, đạt 4,74 triệu USD; sắt thép các loại giảm 22%, đạt 12,76 triệu USD.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm