Xuất khẩu tôm trong 4 tháng đầu năm đạt 106 nghìn tấn
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu tôm của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 106 nghìn tấn, trị giá 944,38 triệu USD, tăng 8% về lượng.
Trong quý I/2021, xuất khẩu tôm sang thị trường Nga, Australia, Mỹ tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN giảm. Quý I/2021, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ tăng mạnh khi nhu cầu của thị trường này liên tục tăng.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo trong thời gian tới, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2020 do nhu cầu thị trường vẫn ở mức cao.
Xuất khẩu tôm trong 4 tháng đầu năm đạt 106 nghìn tấn |
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam trong quý I/2021, đạt 14 nghìn tấn, trị giá 124,5 triệu USD, giảm 3% về lượng và giảm 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản có dấu hiệu phục hồi khi xuất khẩu tháng 3 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Nhật Bản cũng có dấu hiệu phục hồi trong tháng 3 khi tăng 2,8% về lượng so với tháng 3/2020.
Mặc dù lượng nhập khẩu tôm tăng, nhưng trị giá nhập khẩu vẫn giảm do Nhật Bản có xu hướng tăng nhập khẩu tôm thẻ chân trắng với giá phải chăng hơn so với tôm sú.
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng xuất khẩu tôm vào thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp cần chú ý ghi nhãn bằng tiếng Nhật Bản và tuân thủ theo các luật, quy định gồm: Luật Tiêu chuẩn hóa và Ghi nhãn; Luật An toàn vệ sinh thực phẩm; Luật Đo lường; ...
Xuất khẩu tôm sang thị trường EU quý I/2021 tăng trưởng khả quan cho thấy các doanh nghiệp ngành này đã tận dụng hiệu quả những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA.
Theo EVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) của Việt Nam vào EU được giảm từ mức thuế cơ bản 12 - 20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Nhờ EVFTA, ngành tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các nước sản xuất khác, trong đó lợi thế rõ rệt với tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh khi tôm sú được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm, trong khi Thái Lan không được hưởng GSP, không ký FTA, chịu mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ không có FTA chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia chịu thuế GSP 4,2%.
Trong khi đó, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc tiếp tục giảm khi nhu cầu nhập khẩu của thị trường này giảm.
Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, quý I/2021 nhập khẩu tôm nước ấm của nước này đạt 135 nghìn tấn, trị giá 721 triệu USD, giảm 13% về lượng và giảm 23% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Tạp chí Thương hiệu & Sản phẩm