Xuất khẩu tôm sụt giảm, doanh nghiệp và người nuôi 'đói' vốn
Trong tháng 10/2022, xuất khẩu tôm chỉ thu được 313 triệu USD, mức thấp nhất từ đầu năm nay (trừ tháng 2 có kỳ nghỉ tết Nguyên đán).
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2022 ghi nhận tăng trưởng 23% đạt gần 3,4 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm thực sự chỉ tăng đột phá vào nửa đầu năm nhờ giá xuất khẩu cao và nhu cầu của thị trường tăng mạnh.
Từ quý III, xuất khẩu tôm đã chững lại và giảm dần tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước và giảm dần so với những tháng liền kề trước đó.
Quý III/2022, xuất khẩu tôm cả nước đạt 1,13 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng chỉ tăng gần 4%, xuất khẩu tôm sú giảm 7%. Riêng trong tháng 9, xuất khẩu tôm chân trắng đã giảm 5% so với cùng kỳ, xuất khẩu tôm sú giảm 7%. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm hùm trong quý III tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ.
Sang tháng 10, với mức giảm sâu 26%, xuất khẩu tôm đã bộc lộ rõ xu hướng đi xuống của thị trường nhập khẩu cũng như các bất cập của doanh nghiệp tôm nói riêng và toàn ngành thuỷ sản nói chung.
Theo đó, trong tháng 10, xuất khẩu tôm chỉ thu được 313 triệu USD, mức thấp nhất từ đầu năm nay (trừ tháng 2 có kỳ nghỉ tết Nguyên đán). Luỹ kế tới hết tháng 10, ngành tôm xuất khẩu ghi nhận doanh số trên 3,7 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 10, các thị trường chính đều bị sụt giảm rất mạnh nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm 56% đạt trên 52 triệu USD, sang Nhật Bản giảm 19%, sang Hàn Quốc giảm 26%, sang Anh và các nước EU giảm sâu từ 55% - 88% so với cùng kỳ.
Chỉ riêng xuất khẩu sang Trung Quốc và Hongkong vẫn giữ được tăng trưởng lần lượt là 18% và 14% so với tháng 10/2021.
Tính tới hết tháng 10, dù giảm 19% so với cùng kỳ, nhưng thị trường Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm gần 20% xuất khẩu tôm Việt Nam với kim ngạch đạt 727 triệu USD, tương đương khoảng 63 nghìn tấn tôm.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, 9 tháng đầu năm nay, thị trường này nhập khẩu khoảng 646,5 nghìn tấn tôm từ 40 nước, trị giá trên trên 6 tỷ USD. Khối lượng nhập khẩu tương đương với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá trị tăng 9%. Nguyên nhân là do giá nhập khẩu trung bình tăng 8,4% lên 9,41 USD/kg.
Việt Nam là nguồn cung tôm lớn thứ 4 tại thị trường Mỹ, chiếm 9% về khối lượng và 11% về giá trị. Giá trung bình nhập khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ cao hơn 9% so với cùng kỳ, từ mức 10,59 USD tăng lên 11,54 USD/kg.
Ấn Độ, Indonesia và Ecuador vẫn chiếm thị phần chi phối với 35%, 20% và 19% về giá trị. Giá trung bình nhập khẩu tôm từ 3 nước này vào Mỹ đạt lần lượt 9,25 USD, 9,63 USD và 7,67 USD/kg, cũng tăng từ 7-10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài Mỹ, xuất khẩu tôm sang Italy tính tới cuối tháng 10 cũng giảm 18%, sang Anh giảm 6%. Bất ổn về kinh tế, chính trị và xu hướng tăng giá hàng hóa, đặc biệt là giá năng lượng đã tác động nặng nề tới thị trường Italy và Anh trong năm nay, khiến cho nhập khẩu hàng hoá hầu hết các loại đều giảm.
Tuy nhiên, xuất khẩu tôm sang các thị trường khác tính đến cuối tháng 10 vẫn giữ được tăng trưởng khả quan, trong đó sang Trung Quốc tăng 70%, sang Australia tăng 50%, sang Canada tăng 38%, sang Hàn Quốc tăng 31%.
Mặc dù đang giai đoạn cuối năm, nhưng VASEP dự báo xuất khẩu tôm trong 2 tháng tới khó giữ được tăng trưởng như những tháng trước vì nhu cầu trên thị trường ngày càng sụt giảm, nguồn nguyên liệu khó khăn và chi phí sản xuất thì vẫn cao, trong khi doanh nghiệp và người nuôi thì thiếu vốn để quay vòng đầu tư sản xuất– chế biến xuất khẩu.
Minh Anh