0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 03/02/2021 10:53 (GMT+7)

Xuất khẩu điện thoại và linh kiện sụt giảm sau 10 năm tăng trưởng

Năm 2020 đã đánh dấu năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện sụt giảm sau 10 năm tăng trưởng liên tục.

Xuất khẩu điện thoại và linh kiện sụt giảm sau 10 năm tăng trưởng liên tục

Trung Tâm Thông Tin Công nghiệp và Thương Mại - Bộ Công Thương (VITIC) cho biết, theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan, điện thoại các loại và linh kiện là nhóm hàng đứng đầu về kim ngạch trong các nhóm hàng xuất khẩu của cả nước, chiếm 18% trong tổng kim ngạch, đạt xấp xỉ 51,18 tỷ USD trong năm 2020, giảm nhẹ 0,4% so với năm 2019.

Riêng tháng 12/2020 xuất khẩu đạt 4,61 tỷ USD, tăng 4,6% so với tháng liền kề trước đó và tăng mạnh 61,5% so với tháng 12/2019.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại điện thoại và linh kiện của Việt Nam, với 12,34 tỷ USD trong năm 2020, chiếm 24% trong tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại của cả nước, tăng 48,8% so với năm 2019. Thị trường EU đứng thứ 2 về kim ngạch, đạt 9,9 tỷ USD, chiếm 19,4%, giảm 18,9%. Tiếp đến Mỹ đạt 8,79 tỷ USD, chiếm 17,2%, giảm 1,2%; Hàn Quốc đạt 4,58 tỷ USD, giảm 11%.

So với 10 năm trước đó, kết quả xuất khẩu năm 2020 đã đánh dấu năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện sụt giảm. Bởi lẽ 10 năm trước đó, đây là nhóm mặt hàng luôn có mức tăng trưởng cao, giá trị xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước. Thậm chí có năm tăng trưởng đến 3 con số như năm 2011 tăng tới 178,3% so với năm 2010. Với mức tăng trưởng nhanh này, sản phẩm điện thoại và linh kiện đã nhanh chóng soán ngôi của các nhóm hàng truyền thống như dệt may, giày dép… để trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua.

Diễn biến tốc độ tăng trưởng (%) của nhóm hàng điện thoại. Biểu đồ: T.Bình.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này trong những năm qua luôn đóng góp đến trên dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Bên cạnh do ảnh hưởng khó khăn của đại dịch Covid-19, trên thực tế kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này trong 2 năm trước năm 2020 có dấu hiệu bị giảm tốc tăng trưởng.

Nếu theo dõi diễn biến kết quả xuất khẩu của nhóm mặt hàng đang đóng góp nhiều nhất cho GDP (trên dưới 25%) cho thấy trong 2 năm gồm 2018 và 2019, mức tăng trưởng xuất khẩu có chiều hướng bị chậm lại.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm điện thoại và linh kiện chủ yếu với sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI, trong đó các dự án đầu tư của Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên đóng góp lớn nhất. Hai nhà máy của Samsung ở Việt Nam là SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là hai nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp điện thoại di động lớn nhất và hiện đại nhất của Samsung Electronics trên toàn cầu.

Gần đây theo nguồn tin của Samsung tại Việt Nam, đối với điện thoại, khoảng 60% sản phẩm samsung bán ra trên thị trường toàn cầu là được lắp ráp sản xuất ở các nhà máy tại Việt Nam.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu điện thoại và linh kiện sụt giảm sau 10 năm tăng trưởng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.