Chất lượng sẽ là 'chìa khóa' quyết định giá thành xuất khẩu gạo
Từ đầu năm 2021 giá gạo của Việt Nam luôn duy trì ở mức cao, hiện đã tăng lên 505 - 510 USD/tấn. Đây là mức giá tốt nhất trong lịch sử xuất khẩu gạo.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên 505 - 510 USD/tấn (cập nhật ngày 28/1). Đây là mức cao nhất kể từ tháng 12/2011 do nguồn cung trong nước khan hiếm. Nguồn cung giảm trong khi có những thông tin Philippines cần nhập khẩu khối lượng lớn gạo trong năm nay, đã đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên mức cao.
Ngay từ thời điểm đầu năm, thị trường gạo khu vực châu Á đã bắt đầu nóng trở lại khi hàng loạt khách hàng tiềm năng ráo riết mua vào như: Trung Quốc và Bangladesh, Philippines...
Cụ thể, ngày 13/1/2021 Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) đã xuất khẩu lô gạo đầu tiên, với tổng khối lượng 1.600 tấn theo hợp đồng đã ký kết sang Singapore 450 tấn và Malaysia 1.150 tấn, gồm 2 loại gạo Jasmine 85 với giá 680 USD/tấn và gạo Hương Lài giá 750 USD/tấn.
Đây là sự kiện có ý nghĩa tích cực ngay sau khi nước ta ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) ngày 15/11/2020, bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký Hiệp định Thương mại tự do.
Theo nhận định của các chuyên gia, nhu cầu từ các thị trường thế giới vẫn cao, nhưng dự báo lượng xuất khẩu gạo của Thái Lan năm 2021 sẽ vẫn thấp, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỷ trong năm 2020.
Trong năm qua, xuất khẩu gạo của Thái Lan gặp nhiều trở ngại do giá gạo cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt khi đồng Baht tăng giá. Ngoài ra, một lý do khác là thiếu container vận chuyển trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng xuất khẩu. Những điều này sẽ tạo thêm cơ hội cạnh tranh cho gạo Việt trong thời gian tới.
Chất lượng sẽ là "chìa khóa" quyết định giá thành xuất khẩu gạo |
Theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo trong năm 2021 sẽ đạt trên 6 triệu tấn.
Trong khi đó, theo số liệu tổng hợp của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến ngày 31/1, 205 thương nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Trong đó, Cần Thơ có số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước với 43 doanh nghiệp. Tiếp đến là TP HCM có 38 doanh nghiệp; Long An 25 doanh nghiệp; An Giang 20 doanh nghiệp; Đồng Tháp 18 doanh nghiệp; Hà Nội và Tiền Giang 8 doanh nghiệp; Nghệ An 7 doanh nghiệp; Kiên Giang, Vĩnh Long 6 doanh nghiệp.
Ngoài ra, một số địa phương chỉ có 1 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, như: Đắk Nông, Trà Vinh, Tây Ninh, Bình Định, Bình Dương, Hà Tĩnh, Nam Định, Ninh Bình…
Bộ Công thương kỳ vọng với nỗ lực của tất cả các bên, xuất khẩu gạo năm 2021 sẽ tiếp tục đạt được những thành tích mới, với mục tiêu tối cao là vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá có lợi nhất.
VFA dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2021 còn nhiều cơ hội thuận lợi. Bởi dịch covid-19 vẫn còn khó khăn. Cùng với đó các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam. Thị trường gạo châu Á cũng bắt đầu nóng trở lại từ đầu năm khi hàng loạt khách hàng rất tiềm năng đang ráo riết mua vào, trong đó điển hình phải kể đến Trung Quốc, Bangladesh…
Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương giữa Việt Nam với các nước như FTA Việt Nam - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)… với ưu đãi về thuế quan sẽ tạo thuận lợi cho gạo Việt cạnh tranh với các nước khác.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm