Xuất khẩu cá tra tăng hơn 82%
Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam tăng mạnh ở hầu hết tất cả các thị trường lớn, đạt 1,4 tỷ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ năm 2021
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam tăng mạnh ở hầu hết tất cả các thị trường lớn, đạt 1,4 tỷ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, dự báo bắt đầu từ quý III/2022, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm dần lại ở một số thị trường.
Về thị trường, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc – HongKong trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 427,6 triệu USD, tăng 107% so với cùng kỳ năm 2021, đây là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Trước đó, trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này gặp nhiều khó khăn do chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc.
Tuy nhiên mới đây, Trung Quốc đã quyết định xóa bỏ chính sách đình chỉ nhập khẩu thực phẩm đông lạnh có nhiễm virus Sars-COV-2 sau gần 2 năm thực thi. Dự báo điều này sẽ giúp cho hoạt động xuất khẩu cá tra đông lạnh của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng hơn nữa trong những quý cuối năm.
Đứng vị trí thứ 2 là thị trường Mỹ, trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 356,4 triệu USD, tăng 111% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong 2 tháng trở lại đây, xuất khẩu cá tra sang Mỹ có tốc độ chậm lại. Nguyên nhân khiến cho tốc độ tăng trưởng chậm lại là do tình hình tiêu thụ thủy sản nói chung, trong đó có cá tra tại Mỹ có dấu hiệu chững. Lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua. Các nhu yếu phẩm ngày càng đắt đỏ.
Trong tháng 6/2022, giá thực phẩm tại Mỹ tăng 10,4% so với tháng 6/2021. Đây là mức độ tăng trung bình lớn nhất từ năm 1981 đến nay. Theo dữ liệu mới từ IRI và 210 Analytics, giá cá tra tại Mỹ cũng tăng khoảng 22%.
Tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị tiện ích, doanh số bán thủy sản đông lạnh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lạm phát gia tăng, nhưng không nghiêm trọng bằng doanh số bán hàng tươi sống. Kho hàng thủy sản nhập khẩu Mỹ vẫn còn đầy. Do đó, có thể trong quý tới, xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ tăng trưởng thấp hơn so với các quý trước.
Tiếp theo là thị trường khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra đạt 180 triệu USD, tăng 66,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Mexico là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất trong khối, với giá trị đạt 62,4 triệu USD, tăng 68,5% so với cùng kỳ năm 2021, Với kết quả này, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mexico đã vượt qua Thái Lan và Brazil.
Do ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine, giá cả trên toàn cầu đã bị biến động lớn, điều này cũng phần nào đó ảnh hưởng đến nền kinh tế Mexico. Nền kinh tế nước này vẫn trì trệ và chưa hồi phục về mức trước đại dịch. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội cho cá tra Việt Nam vì nhu cầu nhập khẩu sản phẩm thủy sản với giá cả phù hợp, dinh dưỡng lành mạnh của Mexico đang ngày càng tăng.
Tại công văn mới đây gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư, VASEP đã nhận diện các thách thức lớn của ngành thủy sản trong 6 tháng cuối năm, đồng thời đưa ra các đề xuất, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho ngành thủy sản.
Theo VASEP, trải qua 12 lần tăng giá nhiên liệu xăng dầu kể từ đầu năm, hiện nay, 40-50% tàu khai thác hải sản đã nằm bờ. Nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến giảm từ 70-80% so với trước.
Đồng thời với đó là thách thức về nguồn nguyên liệu cho chế biến. Cụ thể, hiện nay nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng chiếm 70% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Các doanh nghiệp đều có nhu cầu mở rộng các vùng nuôi tập trung để tăng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay các địa phương đang đô thị hoá nên các biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất và những quy hoạch về sử dụng đất đang là thách thức lớn cho doanh nghiệp thuỷ sản và người nuôi thuỷ sản.
Một thách thức nữa là các thủ tục chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác còn nhiều bất cập. Do đó, các doanh nghiệp vẫn còn vướng mắc khi sử dụng nguồn nguyên liệu khai thác có chứng nhận.
Đ.Hiếu