Xuất khẩu cà phê 'bùng nổ' trong 5 tháng đầu năm
Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022 đã chạm mốc 2 tỷ USD, tăng mạnh 54% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay ước đạt 889 nghìn tấn, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu tăng tới 54% (hơn 700 triệu USD) lên mức kỷ lục 2 tỷ USD nhờ giá cà phê tăng cao. Qua đó tiếp tục củng cố vị trí thứ 2 về xuất khẩu cà phê toàn cầu sau Brazil.
Hiện cà phê của Việt Nam có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Italia, Bỉ, Anh và các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản,…
Với triển vọng tích cực từ thị trường, các chuyên gia nhận định ngành cà phê đang đứng trước cơ hội lớn để vượt qua kỷ lục xuất khẩu 3,7 tỷ USD của năm 2012.
Mục tiêu này được cho là tương đối khả thi khi nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc trong khi giá cà phê vẫn đang duy trì ở mức cao và có xu hướng tăng.
Trong tháng 5, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta đạt 2.284 USD/tấn, giảm 0,8% so với tháng trước nhưng tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 5 tháng đầu năm, giá cà phê xuất khẩu đạt bình quân 2.251 USD/tấn, tăng 24% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, tính đến đầu tháng 6, giá cà phê nhân xô trong nước đã tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, dao động trong khoảng 42.500 – 43.100 đồng/kg, tương ứng tăng 7% (2.800 đồng/kg) so với cuối tháng 4.
Theo ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 4 chỉ đạt đạt tổng cộng 10,93 triệu bao cà phê các loại, giảm hơn 2,83% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã góp phần lũy kế xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 7 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2021/2022 đã tăng 0,64% so với cùng kỳ niên vụ trước, lên tổng cộng 78,02 triệu bao.
ICO cũng đã duy trì dự báo về nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ cà phê hiện tại 2021/2022 ở mức 167,20 triệu bao, giảm hơn 2,10% so với niên vụ trước. Đồng thời ICO cũng giữ nguyên dự báo tiêu thụ cà phê toàn cầu trong niên vụ cà phê hiện tại 2021/2022 sẽ tăng 3,30% so với niên vụ trước, lên đạt tổng cộng 170,30 triệu bao.
Theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), trên sàn giao dịch London, ngày 28/5, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 7/2022 và tháng 9/2022 tăng lần lượt 0,4% và 0,1% so với ngày 29/4, lên mức 2.097 USD/tấn và 2.096 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 28/5, giá cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 7/2022 tăng 5,4% so với ngày 29/4, lên mức 229,45 US cent/lb; kỳ hạn giao tháng 9/2022 và tháng 12/2022 cùng tăng 5,7% so với ngày 29/4 lên mức 229,7 US cent/lb và 229,05 US cent/lb.
Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 28/5, giá cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 7/2022, tháng 9/2022 và tháng 12/2022 tăng lần lượt 5,8%, 4,7% và 5,5% so với ngày 29/4, lên mức 285,5 US cent/lb, 283,1 US cent/lb và 284,05 US cent/lb.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.152 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, tăng 8 USD/tấn (tương đương mức tăng 0,4%) so với ngày 29/4.
Tuấn Anh