Xây dựng, phát triển thương hiệu mãng cầu xiêm trên đất Hậu Giang
Với sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành, các cấp, cộng với sự quyết tâm của người dân, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích nghi với biến đổi khí hậu đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Được biết, hiện nay, toàn tỉnh Hậu Giang có hơn 900ha trồng mãng cầu, tập trung nhiều ở huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ và thị xã Ngã Bảy. Nhận thấy giá trị kinh tế của mãng cầu, nhiều địa phương như huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ đã xây dựng đề án, quy hoạch diện tích để giúp người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng mãng cầu, từ đó diện tích mãng cầu không ngừng tăng lên theo hàng năm. Đã có nhiều công ty thu mua, bao tiêu sản phẩm mãng cầu để chế biến và xuất khẩu sang nhiều nước như Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh, ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp.
Để bà con phát triển mô hình trồng mãng cầu xiêm ngày càng hiệu quả, ngành nông nghiệp khuyến khích các địa phương thành lập HTX trồng mãng cầu xiêm và từng bước xây dựng thương hiệu. |
Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang cho biết: Mãng cầu xiêm (hay còn gọi là mãng cầu gai) ra trái quanh năm, trung bình nặng khoảng 1 - 3 kg/trái. Loại cây này có thể trồng trên nhiều nền đất khác nhau như: đất mặn, phèn, hạn, chua. Cây có sức đề kháng tốt, ít kén đất, năng suất và giá trị kinh tế cao. Mãng cầu xiêm khi chín có hương thơm dịu, vỏ xanh thịt trắng sáng và nhiều xơ. Khi ăn mãng cầu xiêm hơi dai, có vị chua ngọt hấp dẫn.
Để bà con phát triển trồng mãng cầu xiêm ngày càng hiệu quả, ngành nông nghiệp khuyến khích các địa phương thành lập HTX trồng mãng cầu xiêm và từng bước xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó đẩy mạnh sản xuất, tạo ra nguồn sản phẩm an toàn từ trái tươi và trà mãng cầu để phục vụ cho người tiêu dùng, nâng cao thu nhập.
Hậu Giang là vùng đất còn nhiều khó khăn nhưng bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp, trong đó cây mãng cầu xiêm đang đem lại hiệu quả kinh tế.
Nhận thấy hiệu quả của mãng cầu xiêm khá lớn nên tỉnh đã đầu tư, hỗ trợ cho nông sản phát triển. Tiếp theo sau khi đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “Mãng cầu HậuGiang”, UBND tỉnh còn có Quyết định 824/2017/QĐ-UBND ngày 8/5/2017 về việc banhành Chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2017 - 2020”.
Trong đó, có cho thực hiện dự án “Xây dựng, quản lý và phát triểnnhãn hiệu tập thể “Mãng cầu Hậu Giang” dùng chung cho sản phẩm mãng cầu của tỉnh Hậu Giang”. Mục tiêu của dự án là hướng đến giúp cho việc quản lý và sửdụng nhãn hiệu mãng cầu Hậu Giang có hiệu quả. Song song với kiểm soát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc trái, dự án còn giúp nâng cao giá trị kinh tế và quảngbá, giới thiệu sản phẩm mãng cầu ra thị trường.
Ông Võ Văn Phải, Giám đốc HTX mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp thông tin: “Có được những hợp đồng này, người dân, thành viên trồng mãng cầu không còn lo cảnh “thừa hàng dội chợ” khi vào chính vụ thu hoạch, bởi HTX tham gia đã liên kết với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thì luôn nắm chắc lợi nhuận trong tay. Niềm vui càng nâng lên khi năm 2019 và những năm tới HTX được công ty ký hợp đồng thu mua khoảng 500 tấn sản phẩm/năm, với giá trung bình 13.000 đồng/kg (loại I) và 9.000 đồng/kg (loại II). Với mức giá này bình quân cao hơn giá thị trường bên ngoài từ 2.000-3.000 đồng/kg”.
Định hướng cho tương lai nhãn hiệu “Mãng cầu Hậu Giang”, ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: “Chúng tôi đã cử cán bộ phụ trách địa phương kèm cặp, hỗ trợ các HTX luôn sử dụng đúng quy chế theo quy định. Ngoài ra, xây dựng mô hình mỗi xã một sản phẩm thì sẽ phát triển đa dạng sản phẩm của mãng cầu như kẹo, mứt làm từ trái mãng cầu. Để làm được điều này, các HTX phải canh tác đúng kỹ thuật, an toàn sinh học, sản xuất ra trái mãng cầu chất lượng, đúng tiêu chuẩn. Vì sự sinh tồn và thu nhập của nông dân, Liên minh HTX tỉnh cùng bà con, các HTX sẽ quyết tâm gìn giữ và phát triển thương hiệu cho mãng cầu Hậu Giang ngày một nâng cao, nổi tiếng”.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm