0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ ba, 22/09/2020 13:54 (GMT+7)

Cần có giải pháp thúc đẩy việc thoái vốn nhà nước

Cổ phần hóa, thoái vốn chậm khiến nguồn thu từ cổ phần hóa nộp về ngân sách nhà nước đang đối diện với nguy cơ không thể hoàn thành kế hoạch.

Chỉ tiêu nguồn thu từ cổ phần hóa nộp về ngân sách để phục vụ đầu tư trung và dài hạn là 250.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020. Số tiền đã chuyển từ hoạt động cổ phần hóa vào ngân sách nhà nước lũy kế đến tháng 6 là 211.500 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch.

Tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, trong 8 tháng đầu năm, có 6 doanh nghiệp đã gửi báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019 của Thủ tướng về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm nay là Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hải Dương. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đã hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp của 1 tổng công ty là Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 2 (EVENGENCO2).



Cần có giải pháp thúc đẩy việc thoái vốn nhà nước


Trong gần 5 năm qua, đã có 177 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 207.116 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 177 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, chỉ có 37/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo kế hoạch đặt ra, đạt 28%. Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 4 tháng còn lại năm 2020 là 91 doanh nghiệp, trong đó, triển khai xác định và công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa là 90 doanh nghiệp.

Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm. Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 là: Hà Nội có 13 doanh nghiệp, chiếm 14% kế hoạch; TPHCM có 38 doanh nghiệp, chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có 6 doanh nghiệp; Bộ Công Thương có 4 doanh nghiệp; Bộ Xây dựng có 2 tổng công ty.

Về thoái vốn, từ năm 2016 đến hết tháng 8/2020, số vốn thoái được là 25.634 tỷ đồng, thu về 172.877 tỷ đồng. Mới đây, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 908/2020 về phê duyệt danh mục có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Theo đó, hết năm nay, cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ thực hiện thoái vốn tại 120 doanh nghiệp, trong đó có một số trường hợp đang phải “giục giã” như Bộ Xây dựng thoái vốn tại 4 tổng công ty đến trước ngày 30/11, nếu không hoàn thành sẽ chuyển giao sang Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để thực hiện thoái vốn. 14 doanh nghiệp thuộc các đơn vị khác cũng đang làm thủ tục chuyển giao về SCIC để thực hiện thoái vốn,…

Nhìn chung, tình hình cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn 2016 - 2019 và 8 tháng đầu năm 2020 vẫn chậm, do đó việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hoá, thoái vốn trong thời gian còn lại của năm 2020 được cho là khó khả thi.

Phải xác định đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn là cốt lõi

Việc cổ phần hóa, thoái vốn không đạt kế hoạch sẽ dẫn đến một hệ quả khá trực tiếp đó là không thể thu đủ tiền về ngân sách như dự tính.

Theo Nghị quyết số 26/2016 của Quốc hội, trong giai đoạn 2016 - 2020, nguồn thu từ cổ phần hóa nộp về ngân sách nhà nước để phục vụ đầu tư trung và dài hạn là 250.000 tỷ đồng. Trong năm 2019, Bộ Tài chính đã chuyển 50.000 tỷ đồng và 8 tháng đầu năm 2020 đã chuyển 6.500 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp vào Ngân sách Nhà nước. Luỹ kế từ năm 2016 đến tháng 6/2020, đã có 211.500 tỷ đồng được chuyển từ Quỹ vào Ngân sách Nhà nước, đạt 85% kế hoạch. Số còn lại phải chuyển từ Quỹ vào Ngân sách Nhà nước trong năm 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội là 38.500 tỷ đồng



Việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn là cốt lõi

Tình hình cổ phần hóa, thoái vốn chậm dẫn đến số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn 8 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 830 tỷ đồng. Trong khi đó, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp còn có các nhiệm vụ chi cần thiết khác đã có chủ trương, dự kiến chi khoảng 63.600 tỷ đồng, bao gồm cả số chuyển về ngân sách. Theo tính toán của Bộ Tài chính, để đáp ứng đủ số tiền nộp vào Quỹ năm 2020, dự kiến nguồn thu chủ yếu từ việc thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty CP bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), các tổng công ty cổ phần của Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp do SCIC thực hiện thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ.

Để giải bài toán này, việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn là cốt lõi. Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị triển khai càng nhanh càng tốt một số giải pháp. Trước mắt, các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình UBND các tỉnh, thành phố có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định. Bên cạnh đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa đến hết năm 2020 triển khai hoàn thành công tác xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý tài chính, công bố giá trị doanh nghiệp trong năm 2020.

Ngoài ra, các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước phải thực hiện thoái vốn trong năm 2020, triển khai công tác thoái vốn theo quy định, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quy định đối với các trường hợp thoái vốn gặp khó khăn, vướng mắc để điều chỉnh cho phù hợp. Người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch đã đề ra, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai công tác cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ đã giao. Đồng thời, thường xuyên đôn đốc, giám sát, kịp thời tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Về nguồn thu từ cổ phần hóa, với thực trạng khó hoàn thành kế hoạch, theo lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, quan trọng nhất trước mắt là lựa chọn thời điểm phù hợp để thực hiện bán cổ phần lần đầu (đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa) và thoái vốn, không thực hiện bán cổ phần, thoái vốn bằng mọi giá để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước.

Trong trường hợp cần thiết, cần phải giảm chi đầu tư từ nguồn cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước. Với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa; xác định số phải nộp, tạm nộp và thực hiện nộp về Quỹ theo quy định, trường hợp không đảm bảo thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này. Đồng thời, thực hiện bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo đúng quy định hiện hành.

Qua rà soát các Quyết định của Thủ tướng từ 2019 đến nay thì thấy, dự kiến nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn năm 2020 là 42.200 tỷ đồng trong trường hợp thực hiện thành công việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Sabeco. Ngoài ra, nếu các bộ, ngành trung ương, địa phương quyết liệt chỉ đạo triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng lộ trình cùng với xu hướng phục hồi của thị trường tài chính, chứng khoán thì tổng nguồn thu dự kiến thu về Quỹ có thể đạt trên 45.000 tỷ đồng.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Cần có giải pháp thúc đẩy việc thoái vốn nhà nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới