Vượt bão Covid-19, chứng khoán Việt Nam 2021 "xô đổ" nhiều kỷ lục
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ghi nhận một năm tăng trưởng bùng nổ về mọi phương diện, từ chỉ số cho tới thanh khoản, số lượng người tham gia.
Thị trường chứng khoán 2021 "thăng hoa"
Bất chấp đại dịch, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ghi nhận một năm tăng trưởng bùng nổ về mọi phương diện, từ chỉ số cho tới thanh khoản, số lượng người tham gia. Các ngưỡng 1.200 - 1.300 - 1.400 - 1.500 điểm lần lượt được chinh phục và mang đến niềm tin cho nhiều nhà đầu tư.
Trong tuần cuối tháng 11, chứng khoán Việt Nam xác lập kỷ lục mới khi chỉ số VN-Index lần đầu tiên vượt qua mốc 1.500 điểm bất chấp tâm lý tiêu cực trước thông tin về đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp bởi biến chủng Omicron.
Đầu năm 2021, chỉ số VN-Index mới chỉ ở ngưỡng trên 1.100 điểm nhưng đã nhanh chóng lên trên ngưỡng 1.200 điểm vào đầu tháng 4 và lên trên ngưỡng 1.300 điểm vào đầu tháng 6/2021 trước khi vượt ngưỡng 1.400 điểm vào đầu tháng 7.
Trước đó, trong năm 2020, TTCK Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 thị trường có sức chống chịu và phục hồi tốt nhất thế giới trong đại dịch.
Chứng khoán Việt tăng mạnh trong năm 2021 trong bối cảnh chứng khoán thế giới, trong đó có chứng khoán Mỹ, liên tục tăng điểm mạnh và lập các đỉnh lịch sử mới.
Tuy nhiên, thị trường cũng chứng kiến những phiên giảm điểm mạnh. Gần nhất là cú tụt giảm gần 39 điểm trong phiên 3/12, đưa chỉ số VN-Index về 1.443 điểm, rời xa ngưỡng 1.500 điểm.
Trong năm 2021, thị trường cũng chứng kiến nhiều phiên giảm mạnh, mất 40 - 60 điểm như những phiên hồi cuối tháng 8 hay giữa tháng 7, thổi bay nhiều tỷ USD và khiến thị trường chao đảo trước các ngưỡng quan trọng như 1.300 điểm.
Thị trường chứng khoán cũng chứng kiến thanh khoản tăng kỷ lục trong năm 2021. Phiên 20/11, thị trường ghi nhận phiên giao dịch kỷ lục với 56,3 nghìn tỷ đồng (2,4 tỷ USD) giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng.
Trong những tháng gần đây, thị trường liên tục chứng kiến những phiên giao dịch 1-2 tỷ USD. Mốc tỷ USD (hơn 23 nghìn tỷ đồng) là mức thanh khoản rất cao nếu so với mức trung bình gần 6.200 tỷ đồng/phiên trong năm 2020 và khoảng 18 nghìn tỷ đồng/phiên trong 6 tháng đầu năm 2021.
Thống kê từ các công ty chứng khoán cho thấy, với nhà đầu tư mới, đầu tư chứng khoán được xem là một kênh đầu tư ổn định. Thị trường chứng khoán có quy mô ngày càng lớn hơn và không còn là một kênh cho những nhóm nhỏ lướt sóng.
Thị trường cũng ghi nhận vốn hóa lên đỉnh cao mới. Sàn HOSE ghi nhận 4 doanh nghiệp có vốn hóa vượt 10 tỷ USD là Vingroup, Vietcombank, Vinhomes và Hòa Phát.
Nếu như cuối tháng 6, HOSE ghi nhận 20 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường đạt hơn 1 tỷ USD, thì tính đến hết tháng 11, HOSE đã có 45 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD.
Tính tới cuối tháng 11/2021, HOSE ghi nhận vốn hóa đạt hơn 5,7 triệu tỷ đồng (khoảng 245 tỷ USD), đạt khoảng 91,41% GDP năm 2020 (GDP theo giá hiện hành).
Tại Việt Nam, sự kỳ vọng với TTCK còn khá lớn. Đại diện PYN Elite cho rằng, gói phục hồi kinh tế 800.000 tỷ đồng giai đoạn 2022 - 2024 sẽ đẩy Vn-Index lên 2.500 điểm vào cuối năm 2024.
Nhà đầu tư F0 tăng kỷ lục
Theo thống kê, trong tháng 11, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới đạt 221.314 tài khoản. Đây là kỷ lục mới của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tổng số tài khoản chứng khoán mở mới tháng vừa qua gần bằng tổng tài khoản của hai tháng trước đó.
Lũy kế đến ngày 30/11, Việt Nam có 4.083.325 tài khoản giao dịch chứng khoán, tăng hơn 1,3 triệu tài khoản so với cuối năm 2020.
Trong tháng 11/2021, nhà đầu tư cá nhân mở mới nhiều nhất với 220.602 tài khoản. Bên cạnh đó, tổ chức trong nước cũng ghi nhận kỷ lục mở mới 215 tài khoản trong tháng 11.
Về khối ngoại, nhà đầu tư cá nhân mở mới 473 tài khoản, cao nhất kể từ tháng 5. Trong tháng 11, các tổ chức nước ngoài mở 24 tài khoản mới.
Thực tế, cá nhân trong nước mua ròng là động lực chính hỗ trợ thị trường tăng điểm. Theo đó, trong 11 tháng, nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng tổng cộng hơn 84.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán, với số lượng tài khoản mở mới của cá nhân trong nước duy trì trên mức 100.000 tài khoản mỗi tháng kể từ tháng 3.
Việc nhà đầu tư nội ồ ạt mở tài khoản chứng khoán thời gian gần đây có nhiều yếu tố, trong đó đáng kể nhất là việc lãi suất huy động đang ở mức thấp; kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại; nền kinh tế được kỳ vọng hồi phục mạnh sau đại dịch; định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực; triển vọng nâng hạng thị trường mới nổi trong 2 năm tới; người dân ít có sự lựa chọn kênh đầu tư và việc áp dụng eKYC giúp mở tài khoản trở nên thuận tiện hơn.
Sự nhập cuộc mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong nước đã giúp thanh khoản thị trường duy trì mức cao, thường trên mức "tỷ đô". Tuy vậy, diễn biến thị trường trong những phiên gần đây không thực sự thuận lợi và liên tiếp điều chỉnh trong 3 phiên giao dịch đầu tháng 12 sau khi tạo đỉnh tại vùng 1.500 điểm. Kết thúc phiên giao dịch 6/12, chỉ số VN-Index chỉ còn 1.413,58 điểm.
Trước đó, tổng cộng nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới hơn 1 triệu tài khoản trong 10 tháng năm 2021, chiếm 99,5% tổng số tài khoản mở mới. Đây là động lực chính giúp tăng thanh khoản thị trường và VN-Index liên tục lập đỉnh mới trong năm nay.
Rủi ro tiềm ẩn
Bên cạnh những yếu tố tích cực, ông Nhữ Đình Hòa - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) chia sẻ, TTCK Việt Nam vẫn còn các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra như: Các điểm nóng trong đối đầu quan hệ Mỹ - Trung, lạm phát tăng nhanh và Ngân hàng Trung ương các nước lớn tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, giảm bơm tiền, nếu kinh tế không hồi phục như kỳ vọng sẽ khiến nợ xấu ngân hàng tăng mạnh.
“Thách thức đối với TTCK Việt Nam còn đến từ việc gia tăng quy mô thị trường để có thể hấp thụ được dòng vốn nước ngoài chảy vào thị trường khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Bên cạnh đó, khi kinh tế ổn định hơn, nhiều cơ hội đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, kênh thị trường bất động sản cũng đang có dấu hiệu ấm lên và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, các lĩnh vực khác xuất hiện khiến dòng tiền sẽ chảy ngược từ TTCK sang các kênh đầu tư khác”, ông Hòa phân tích.
Ngoài ra, tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp đã cổ phần hoá khá chậm. Ngoài yếu tố do TTCK biến động mạnh, còn có yếu tố quan ngại, sợ rủi ro pháp lý liên quan đến bán tài sản Nhà nước. Qua đó, làm chậm quá trình đưa doanh nghiệp lên sàn niêm yết để tạo sự minh bạch và huy động vốn phát triển.
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam nhận xét: “Vấn đề nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vẫn gặp nhiều trở ngại về pháp lý và chính sách, cần nhiều thời gian để tháo gỡ. Rủi ro lan truyền từ các khu vực thị trường liên thông (bất động sản; ngoại hối; tiền kỹ thuật số...) gây nên những cơn sốt ảo về bất động sản cũng như về chứng khoán và hệ thống công nghệ thông tin cho toàn TTCK còn có những trở ngại nhất định cho sự tăng trưởng của thị trường”.
Để có thể vừa chủ động nắm bắt cơ hội, tiềm năng tăng trưởng của TTCK vừa phòng ngừa rủi ro, hướng tới phát triển bền vững, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế khuyến nghị, cần phát triển TTCK theo chiều sâu, tăng năng lực chống chịu với các cú sốc bên ngoài; chú trọng nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính và TTCK; hiện đại hóa các công cụ, hình thức thanh tra, giám sát; thực thi chế tài nghiêm minh đối với các vi phạm trên TTCK.
Ngoài ra, TS. Lực cũng khuyến nghị việc chú trọng phổ cập kiến thức tài chính, nâng cao tính chuyên nghiệp nhà đầu tư trên TTCK (đặc biệt đầu tư cá nhân); tăng cường vai trò của đại lý đầu tư, tư vấn chuyên nghiệp, các quỹ mở, ETFs cổ phiếu và trái phiếu được vận hành bởi các quỹ đầu tư uy tín để đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư ban đầu, đầu tư của nhà đầu tư cá nhân…
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ: “Trong bối cảnh kinh tế số, tài chính số phát triển ngày càng mạnh mẽ, Việt Nam cần có những bước tiến mạnh mẽ hơn về thể chế, công nghệ, nguồn nhân lực, mức độ chuyên nghiệp, minh bạch, khả năng chống chịu, ứng phó với các cú sốc bên ngoài.
Có như vậy, TTCK Việt Nam mới có thể phát triển nhanh, bền vững hơn về cả qui mô, thanh khoản, chất lượng và trở thành kênh huy động vốn, đầu tư quan trọng của nền kinh tế, bắt nhịp xu hướng tài chính số, tài chính xanh và chứng khoán xanh của khu vực và thế giới”.