Vực dậy sản vật Sâm Báo ‘tiến vua’ trên đất Vua Hồ, Chúa Trịnh
Việc vực dậy sản vật quý hiếm này vừa góp phần bảo tồn loài sâm quý, vừa giúp bà con ổn định kinh tế, nâng cao và cải thiện đời sống.
Sâm trên núi Báo - Sản vật "tiến vua” không nơi nào có
Sâm Báo là sản vật xưa kia chỉ dùng để dâng vua, tiến chúa và đươc mệnh danh là “Đại Việt đệ nhất danh sâm”
Sâm Báo cùng loại với dòng sâm Bố Chính, sâm Thổ Hào có ở Nghệ An, Quảng Bình, Phú Yên… nhưng chỉ trồng được ở vùng núi Báo. Từ thời Hồ, Lê, Trịnh, Nguyễn… sâm Báo là sản vật dùng để dâng vua tiến chúa và được mệnh danh là “Đại Việt đệ nhất danh sâm”.
Sách “Thanh Hóa Vĩnh Lộc huyện chí” của Lưu Công Đạo soạn năm Gia Long thứ 15 viết: “Nước Nam có nhiều sâm, chỉ có sâm ở đất Biện công hiệu hơn hẳn các nơi khác. Dùng nhân sâm có nhiều hiệu nghiệm kỳ lạ”.
Ngoài ra, sách “Đồng Khánh địa dư chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn năm 1886 có viết viết: “Sâm Báo chất nhỏ mà trắng, vị đắng, có tính mát, có thể giải nhiệt”. Sau này, qua nghiên cứu cho thấy sâm Báo có tác dụng bổ khí huyết, tăng cường sinh lực, giúp ăn ngon ngủ tốt, chữa suy nhược thần kinh.
Sâm Báo mọc từ tháng 1, 2 âm lịch, đến khoảng tháng 10 - 11 lụi dần, sau đó ẩn mình vào lòng đất chờ mùa xuân tiếp theo sẽ nảy chồi. Một củ sâm bình thường khoảng 2 - 3 lạng, lớn nhất 4 lạng.
Ngày xưa, cứ vào độ tháng 2, 3 âm lịch các cụ trong làng lại lên núi Báo tìm đào sâm. Sâm mang về phải được đưa ra rửa ở giếng Sôi nằm giữa núi Mắt Vôi và núi Mu Rùa. Sau khi rửa sạch, sâm tươi nguyên củ ngâm rượu. Nhưng công phu nhất là làm sâm khô. Sâm rửa sạch, để ráo rồi đem bỏ vào chõ xôi để hong cùng gạo nếp, tiếp đó lấy ra thái mỏng đem phơi. Đợi sâm khô giòn thì vào khe Mang Cá trên núi Báo lấy nước về vo gạo nếp, lắng lấy phần nước “chất” rồi ngâm sâm vào. Ngâm đến khi nào sâm tươi trở lại thì mang ra phơi tiếp cho khô. Tiếp đó, dùng nước gừng tươi ướp sâm rồi đem sao vàng hạ thổ 3 lần. Trong khi sao vàng tẩm thêm mật ong để tạo vị ngọt và thơm. Khi đã thành phẩm, sâm được dùng để ngâm rượu, tán bột ăn kèm với bột đậu xanh, pha như trà uống hàng ngày...
Theo Đông y, sâm Báo có vị ngọt nhạt, tính bình, vào kinh phế tỳ, có tác dụng: Bổ mát, nhuận phế, dưỡng tâm, sinh tân dịch; trị ho, sốt nóng, phổi yếu; chữa kinh nguyệt không đều...
Định hướng phát triển sản vật sâm Báo ở Thanh Hóa
Từ lâu, Sâm Báo vẫn được người làng Biện Thượng lên núi đào cây con về trồng. Nhưng sâm trồng thường bị hỏng, thối củ vì mắc bệnh, đặc biệt là nấm cổ rễ, đến nay vẫn chưa có cách chữa. Việc trồng sâm cũng chủ yếu phục vụ cho gia đình. Đến năm 1995, Phủ Trịnh được công nhận Di tích lịch sử quốc gia, du khách đến tham quan phủ mới biết sản vật sâm Báo.
Những năm qua, người dân hiểu được giá trị và nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều. Đồng thời, nhằm bảo tồn và phát triển, tránh nguy cơ cạn kiệt của loài sâm quý gắn liền với hình ảnh địa phương. Do đó, đã có không ít người dân xã Vĩnh Hùng (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã mạnh dạn đầu tư nhân giống, ươm trồng Sâm Báo. Kỳ vọng vào việc phát triển loại sâm quý này sẽ không những đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa, mà góp phần quảng bá hình ảnh sản vật địa phương.
Tuy vậy, vốn là loại sâm tự nhiên mọc trên núi và hình thành sâu dưới lòng đất, cộng với việc chưa có nhiều kinh nghiệm áp dụng khoa học kỹ thuật vào nhân giống và chăm sóc Sâm Báo, do vậy, đã không ít người tỏ ra thiếu tự tin, bỏ ngỏ khả năng thành công.
Nhiều giải pháp đầu tư góp phần đưa cây sâm Báo trở thành là niềm tự hào của người dân Thanh Hóa
Nhận thấy tiềm năng phát triển của loại sâm Báo với gần 200 ha đất đồi núi Báo mà hiện chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có, Công ty Cổ phần Dược liệu Triệu Sơn đã đề xuất Dự án phát triển cây Sâm Báo ở vùng đất này với mong muốn khai thác được tối đa “nguồn dược liệu vàng” đồng thời giải quyết việc làm cho người cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã, góp phần vào công cuộc phủ xanh đất trống đồi núi trọc theo chủ trương của Đảng và nhà nước là phát triển kinh tế bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường.
Không chỉ dừng lại ở việc phủ rộng diện tích trồng cây Sâm Báo, Cổ phần Dược liệu Triệu Sơn còn có chủ trương xây dựng nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế GMP cùng với đó Thành lập TRISO R &D: Chuyên nghiên cứu và triển khai các công trình khoa học của Hội đồng Cố vấn TRISO GROUP để nghiên cứu đưa ra thị trường các sản phẩm được chế biến từ cây Sâm Báo
Bên cạn đó, nhìn ra giá trị to lớn củ loài cây này, mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp nguyên vật liệu thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất sâm Báo gắn với chuỗi giá trị tại huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.” Dự án sâm Báo được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt cho đơn vị chủ trì là Công ty CP Dược liệu Triệu Sơn với tổng kinh phí đầu tư hơn 10,709 tỷ đồng.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm