Hậu Covid-19, tôm Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, xuất khẩu (XK) tôm Việt quý đầu năm nay vẫn khả quan khi tăng trưởng nhẹ.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Xuất khẩu (XK) tôm cả nước 3 tháng đầu năm đạt 628,6 triệu USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, XK tôm sang thị trường Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng khả quan nhất trong số các thị trường chính.
Tính riêng tháng 3/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 41,3 triệu USD và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung ba tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Việt sang thị trường này đạt 115,5 triệu USD và tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong top 5 thị trường XK chính của tôm Việt Nam.
XK tôm sang thị trường Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng khả quan nhất trong số các thị trường chính.
Theo VASEP dịch COVID-19 lây lan rộng ở Mỹ bắt đầu từ tháng 3/2020 khiến nhu cầu nhập khẩu tiêu thụ giảm mạnh ở phân khúc dịch vụ thực phẩm do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ Mỹ, song nhu cầu tiêu thụ tôm ở phân khúc bán lẻ vẫn tăng để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Trong khi nguồn cung tôm từ Ấn Độ, Ecuador và Thái Lan đang giảm sút do lệnh phong tỏa quốc gia, khách hàng Mỹ quay sang mua tôm Việt Nam.
Đây là một tín hiệu khả quan cho thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam. Cũng theo VASEP, nếu dịch Covid-19 được cơ bản đẩy lùi thì cuối quý II/2020, thị trường thế giới mở cửa trở lại, tôm Việt Nam có thể tranh thủ tận dụng cơ hội thời kỳ hậu Covid-19.
Sau một thời gian sụt giảm do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, từ đầu tháng 4/2020, giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL đang dần tăng trở lại. Việc giá tôm nhích lên mở ra kỳ vọng thuận lợi cho sản xuất vụ tôm mới.
Cuối tháng 4, giá tôm chân trắng loại 100 con/kg có giá từ 95.000 - 100.000 đồng, so với cách đây 3 tháng, tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Tôm sú cỡ 30 con/kg có giá từ 200.000 - 230.000 đồng, tăng 30.000 - 40.000 đồng/kg.
Giá tôm chân trắng tại Bạc Liêu hiện tăng hơn trước 20.000 đồng/kg (đối với loại nhỏ). Cụ thể, tôm chân trắng loại 100 con/kg có giá 90.000 đồng/kg đối với nuôi ao lót bạt; tôm nuôi ao đất giá từ 80.000 - 85.000 đồng/kg. Các loại tôm chân trắng cỡ lớn tăng nhẹ so với trước: loại 70 con/kg có giá 110.000 đồng/kg; loại 50 con/kg có giá từ 120.000 - 125.000 đồng/kg.
Dù giá tôm nguyên liệu đã tăng tích cực hơn nhưng do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên tôm, dịch Covid phức tạp tại các thị trường tiêu thụ chính, nên người dân vẫn e dè trong việc thả nuôi. Nếu những điểm trên không được khống chế, sẽ rất dễ xảy ra thiếu hụt nguyên liệu tôm khi thị trường hồi phục.
Nếu dịch Covid-19 được cơ bản đẩy lùi thì cuối quý II/2020, thị trường thế giới mở cửa trở lại, tôm Việt Nam có thể tranh thủ tận dụng cơ hội thời kỳ hậu Covid-19.
Thời gian của vụ tôm nước lợ năm 2020 vẫn còn dài, những dấu hiệu thuận lợi cũng bắt đầu xuất hiện ngày một rõ ràng hơn như nhu cầu tiêu thụ tôm thế giới vẫn có vì tôm là thực phẩm thiết yếu, việc kiểm soát dịch Covid ở Trung Quốc, Hàn Quốc đang có chiều hướng tốt hơn sẽ có thêm hy vọng cho người nuôi và nhà máy chế biến khi đầu ra phần nào được tháo gỡ.
Tại thị trường EU, Việt Nam có lợi thế ưu đãi từ Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 tới, đặc biệt đối với sản phẩm tôm có mức thuế mà Ấn Độ, Thái Lan hay các nước khác không có lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro tiềm ẩn vẫn còn, nên doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và người nuôi tôm vẫn cần liên kết chặt chẽ để vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ khi thị trường hồi phục.
Trước đó, ngày 8/5, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị bàn các giải pháp, triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị.
Theo đó, định hướng ngành tôm nước lợ trong năm 2020, diện tích nuôi tôm đạt 730.000 ha, sản lượng 830.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 3,5 tỷ USD (tăng từ 2% - 3% so với năm 2019).
VASEP đánh giá, thị trường tôm của Việt Nam vẫn là các nước truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU… và một số thị trường mới như Nga, Ba Lan...
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm