Vĩnh Phúc nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để tỉnh phát triển, từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có những hướng đi mang tính đột phá.
Là địa phương nằm trong Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ và Vùng Thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc hội tụ đủ các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông; có vị trí liền kề sân bay quốc tế Nội Bài, nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh, vành đai phát triển công nghiệp phía Bắc, rất thuận lợi để triển khai các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó là vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu ôn hòa, cấu tạo địa chất tốt, tạo cho tỉnh những cơ hội, tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng.
Vĩnh Phúc trở thành “điểm sáng” của cả nước về thu hút đầu tư. (Ảnh minh họa) |
Phát huy những điểm mạnh đó, với phương châm “Các nhà đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, trong đó coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ bằng giải pháp quan tâm và giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện mô hình “cà phê doanh nghiệp” định kỳ thứ sáu hàng tuần UBND tỉnh tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp... Xây dựng Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Đồng thời, ban hành các giải pháp cụ thể, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án lớn, các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về thu hút đầu tư và quan tâm đầu tư hạ tầng trong và ngoài các khu công nghiệp...
Đáng chú ý, công tác vận động thu hút các dự án ODA luôn được chỉ đạo quyết liệt và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các nguồn vốn ODA, NGO đã góp phần quan trọng bổ sung vào nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh nhằm thực hiện các mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật của tỉnh phục vụ thu hút đầu tư và nâng cao đời sống nhân dân, giảm ô nhiễm môi trường.
Cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định nhân tố quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững chính là các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Kết quả là sau 23 năm tái lập tỉnh, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng. Nếu như năm 1997 tỉnh mới chỉ có 91 doanh nghiệp, vốn đăng ký 57 tỉ đồng thì lũy kế đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 10.693 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký trên 119 nghìn tỉ đồng, trong đó có 7.792 doanh nghiệp thực tế hoạt động (tương đương gần 73,0% doanh nghiệp đăng ký). Các tập đoàn lớn trong nước như SunGroup, VinGroup, FLC, Hồng Hạc Đại Lải, Lạc Hồng… đã và đang triển khai những dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tính đến năm 2019, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tổng số dự án còn hiệu lực là 1.139 dự án (gồm 755 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 80,9 nghìn tỉ đồng và 384 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 5,02 tỉ USD); số dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh là 645 dự án (gồm 281 dự án FDI và 364 dự án DDI), chiếm 56,63% tổng số dự án còn hiệu lực với số vốn thực hiện các dự án FDI đạt 62,09% và các dự án DDI đạt 36,36% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Từ chỗ chỉ có 1 khu công nghiệp với quy mô 50 ha (KCN Kim Hoa) vào năm 1998, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch tổng số 50 KCN và cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 5.897,23 ha. Toàn tỉnh hiện có 9 khu công nghiệp được thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích quy hoạch là 1.842,62 ha.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường