Vĩnh Phúc: Lo ngại ô nhiễm môi trường, người dân 3 xã kiến nghị dừng xây nhà máy xử lý rác
Người dân ba xã Xuân Hòa, Ngọc Mỹ, Liễn Sơn thuộc huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc đã có kiến nghị dừng triển khai dự án xây dựng nhà máy xử lý rác.
Người dân ba xã Xuân Hòa, Ngọc Mỹ, Liễn Sơn thuộc huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc đã có kiến nghị dừng triển khai dự án xây dựng nhà máy xử lý rác do lo ngại ô nhiễm môi trường.
Những ngày qua, người dân tại ba xã Xuân Hòa, Ngọc Mỹ, Liễn Sơn thuộc huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc đã có mặt tại khu vực dốc Kèo Cài thuộc thôn Thành Công xã Xuân Hòa (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) để bày tỏ ý kiến về việc không đồng thuận việc xây dựng “Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa” do Công ty cổ phần đầu tư ITC Hà Nội làm chủ đầu tư vì lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường.
Theo đa số ý kiến người dân, việc xây dựng nhà máy xử lý rác tại khu vực dốc Kèo Cài thuộc thôn Thành Công là bất hợp lý.
Thứ nhất, khu vực triển khai xây dựng dự án là lưng chừng núi, đầu nguồn nước của hai thôn Thành Công và Đồng Chủ. Khu vực này còn là đầu nguồn của hai hồ thủy lợi lớn của xã Xuân Hòa là Đập Thiên Lính (thôn Thành Công) và Đập Suối Vầy, đập Ao Phai (thôn Đồng Chủ). Các đập nước này cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhiều thôn của xã Xuân Hòa và xã một số thôn của xã Liễn Sơn.
Cũng theo phản ánh, khu vực triển khai dự án nằm ở lưng chừng núi, khi có gió sẽ thổi về thôn 1, 2 của xã Ngọc Mỹ nằm bên kia của núi.
Từ những lo ngại nêu trên, cộng với việc chuẩn bị giải phóng mặt bằng để triển khai dự án nhà Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa nên mấy ngày gần đây người dân đã tập trung tại khu vực này để bày tỏ nguyện vọng các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện tìm một địa điểm phù hợp hơn đế triển khai dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 1/6/2021, UBND huyện Lập Thạch đã ra Thông báo số 70 về việc thu hồi tổng diện tích 11,159 ha đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình: Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch của Công ty cổ phần đầu tư ITC Hà Nội làm chủ đầu tư.
Diện tích dự kiến thu hồi là 111.590,2 m2. Trong đó: Đất nông nghiệp là 109.804,5 m2, đất phi nông nghiệp: 1.785,7 m2.
Ngày 30/11/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra Quyết định số 3258 về việc Phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Quy hoạch, đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tập trung, với mục tiêu hoạt động thu gom, xử lý và đốt rác thải sinh hoạt, tái chế chất thải (tái chế các thành phần hữu ích có trong rác thải và xỉ đáy lò sau khi đốt thành gạch không nung); được đầu tư xây dựng đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phục vụ sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương.
Đáng chú ý, trong phần Quy hoạch san nền, thoát nước mưa có nêu:"Hệ thống thoát nước: Trên cơ sở cao độ san nền, xây dựng hệ thống thoát nước nửa riêng với hệ thống thoát nước thải; đảm bảo khả năng thoát nước theo nguyên tắc tự chảy. Hướng thoát nước về phía Tây, ra hồ điều hòa, sau đó thoát hệ thống mương hiện có".
Trong phần Quy hoạch thoát nước thải: "Mạng thoát nước: Nước thải sau khi được xử lý sơ bộ tại các đơn vị sử dụng nước, được thu gom, đưa về trạm xử lý nước thải trong khu quy hoạch, xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra hồ điều hòa".
Trong phần Các biện pháp bảo vệ môi trường: Bảo vệ môi trường nước: Xây dựng hệ thống thu gom nước thải, dẫn về khu xử lý nước thải tập trung, xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường.
Tổng kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật khoảng hơn 61 tỉ đồng, nguồn vốn của chủ đầu tư dự án.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cho biết, đã nắm được thông tin người dân phản đối dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa trên địa bàn thôn Thành Công.
“Anh em đang tổ chức tuyên truyền để người dân nắm được thông tin về dự án. Sắp tới sẽ cho người dân đi thăm quan mô hình nhà máy xử lý rác trong Cần Thơ. Sắp tới chính quyền các cấp sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị để người dân nắm được thông tin về dự án.
Hiện dự án đã giải phóng mặt bằng xong, nhưng chưa triển khai thi công do chưa nhận được sự đồng thuận của người dân địa phương. Sắp tới chính quyền các cấp tiếp tục tổ chức tuyên truyền cho người dân địa phương để bà con hiểu và đồng thuận cho triển khai dự án…”, ông Nguyễn Văn Hải chia sẻ thêm.
Cũng về sự việc kia, trả lời PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Mạnh Tưởng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) cho biết: “Hiện chúng tôi đã nắm được thông tin bà con nhân dân phản đối dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa. Dự án đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định chủ trương đầu tư, chọn nhà đầu tư xong. Hiện dự án đã giải phóng mặt bằng xong.
Chúng tôi chưa làm gì cả, hiện mới có đơn vị Lâm trường đang chặt cây cối trên khu vực đó, bà con lại cứ nghĩ là triển khai dự án nên tập trung ở đó. Chính quyền địa phương cũng đã có mặt tuyên truyền vận động để bà con không tập trung đông người, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Khi nào chuẩn bị tổ chức triển khai dự án thì chúng tôi sẽ tổ chức họp mặt giải thích cho bà con nhân dân".
Lý giải về lo ngại của người dân liên quan đến việc triển khai dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa tại lưng chừng núi ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của hai thôn Thành Công và Đồng Chủ, ông Nguyễn Mạnh Tưởng cho biết: "Giải pháp về dây chuyền công nghệ của người ta (Công ty ICT-PV) hết sức hiện đại nên không có vấn đề gì đâu”.
Cũng theo ông Tưởng thì đây là dự án ngoài ngân sách do công ty ITC làm chủ đầu tư.
Khuyến khích xử lý chất thải bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy, khuyến khích xử lý chất thải bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường như công nghệ có thu hồi năng lượng để phát điện hoặc sử dụng làm nguyên vật liệu sản xuất, qua đó hạn chế tỷ lệ chất thải phải chôn lấp, phát triển nền kinh tế tuần hoàn, cụ thể như: Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn; Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt nam đến 2030 tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có định hướng về phát triển nguồn năng lượng sinh khối là nâng tỷ lệ xử lý chất thải cho mục đích năng lượng lên 30% vào năm 2020, khoảng 70% vào năm 2030 và hầu hết được tận dụng cho mục đích năng lượng vào năm 2050.
Bên cạnh đó, để khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, các địa phương thu gom, tái chế, xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các Bộ, ngành và địa phương đã tham mưu trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản, chính sách về quản lý chất thải như sau: Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 05/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 đã đưa ra các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án xử lý, tái chế chất thải về đất đai, vốn, thuế; Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn, đề ra nhiều giải pháp chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong đó chú trọng công tác phân loại rác thải tại nguồn; áp dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến hiện đại, tận dụng các thành phần có ích trong chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sản xuất, hạn chế tối đa việc phát sinh chất thải thứ cấp cần xử lý.
Theo các nhà khoa học đầu ngành về Kinh tế Môi trường, việc xây dựng các nhà máy xử lý rác thải cần tính toán đến lợi ích kinh tế và môi trường. Nếu dự án mà ảnh hưởng đến môi trường, đến cuộc sống của nhân dân địa phương thì cần xem xét, đúng theo tinh thần chỉ đạo của chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc "Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế" và những cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 vừa qua.
Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!
Đình Thắng