Thanh Hóa: Dân “kêu trời” vì nhiều trại lợn gây ô nhiễm môi trường
Người dân các thôn Giàng Vìn (xã Trí Nang), thôn Chiềng Nang (xã Giao An) kêu trời vì tình trạng nhiều trại lợn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Khu vực giáp ranh giữa các xã miền núi Giao An và Trí Nang của H.Lang Chánh (Thanh Hóa) được quy hoạch xây dựng 4 trại chăn nuôi lợn, với tổng diện tích hơn 300 ha. Cùng lúc nhiều trang trại lợn được đầu tư, và dù mới có 2 trong số 4 trại hoạt động (chưa hết công suất), nhưng đã xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Người dân kêu trời
Thời gian vừa qua, người dân các thôn Giàng Vìn (xã Trí Nang), thôn Chiềng Nang (xã Giao An) kêu trời vì tình trạng nhiều trại lợn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Tình trạng này xảy ra trầm trọng vào thời điểm nắng to hoặc trời mưa.
Một người dân thôn Chiềng Nang nói rằng: “Sống ở đây như kiểu trời đày. Mùi hôi thối bốc lên khiến cuộc sống chúng tôi đảo lộn hoàn toàn. Đóng kín cửa mà mùi hôi thối vẫn xộc vào. Bực nhất là lúc ăn cơm, bưng bát cơm lên mà không nuốt nổi vì mùi hôi thối”.
Theo tìm hiểu của PV, các trại lợn trên là của Công ty TNHH MTV chăn nuôi T.I.G.E.R và Công ty CP chăn nuôi RTD.
Khi nhận được rất nhiều phản ánh của người dân, Phòng TN-MT H.Lang Chánh mới vào cuộc và có báo cáo vụ việc. Sở TN-MT Thanh Hóa đã lập đoàn kiểm tra, phát hiện trại lợn của cả hai công ty gồm: Công ty TNHH MTV chăn nuôi T.I.G.E.R (đang nuôi 1.200 con lợn nái, công suất hơn 22.000 con/năm; diện tích dự án là hơn 60 ha); và Công ty CP chăn nuôi RTD (diện tích dự án rộng 140 ha; công suất chăn nuôi hơn 27.000 con/năm), hệ thống lưới chắn để giảm thiểu mùi hôi đặt ở phía sau các dãy chuồng lợn đều chưa hoàn chỉnh; khí sinh học từ hầm bioga chưa sử dụng hết, một phần đang được xả thải ra môi trường; khu vực kho chứa phân chưa được bao quây kín, dẫn đến gây mùi hôi…
Sở TN-MT kết luận các doanh nghiệp trên trong quá trình nuôi lợn đã gây ô nhiễm môi trường (mùi hôi thối) do chưa đầu tư đầy đủ các công trình xử lý mùi, và chưa sử dụng các chế phẩm vi sinh để giảm thiểu mùi hôi. Việc bố trí chuồng trại trên cao nếu không có giải pháp xử lý mùi hôi triệt để, khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi sẽ ảnh hưởng đến các khu dân cư lân cận.
Điều lạ lùng là kết luận của Sở TN-MT Thanh Hóa không kiến nghị xử lý hành chính các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, mà chỉ yêu cầu thực hiện đầy đủ các biện pháp để bảo vệ môi trường, đầu tư hoàn chỉnh công trình xử lý môi trường xong trước ngày 31.9. Nếu quá thời gian mà không hoàn chỉnh, tiếp tục gây ô nhiễm môi trường thì mới bị xử lý vi phạm hành chính, hoặc đình chỉ hoạt động. Điều này khiến người dân vô cùng ngạc nhiên và bức xúc.
Luật sư nói gì?
“Việc các cơ quan chức năng không xử phạt hành chính các cơ sở gây ô nhiễm là điều đáng nghi ngờ. Rõ ràng, việc họ gây ô nhiễm là do chủ quan nhưng cơ quan chức năng không có biện pháp răn đe. Phải chăng đằng sau câu chuyện này có vấn đề gì khuất tất”, một số người dân trao đổi với PV.
Đến hiện trường và quan sát thấy khu đất hơn 300 ha quy hoạch xây dựng trang trại nuôi heo nằm dọc sườn núi, xung quanh cây cối xanh tốt. Qua tìm hiểu thì được biết, mùi hôi thối từ các trại heo đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng người dân sống xung quanh. Chính quyền các cấp cũng đã vào cuộc ngay sau khi có ý kiến của người dân, và kết quả đúng như phản ánh. Lý do, các trang trại chưa đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý khí thải, để mùi hôi bốc ra từ quá trình chăn nuôi.
Nhiều ý kiến người dân phản ánh chưa được các cấp quan tâm đúng mức, như việc những hộ dân ở gần các trại heo đề nghị được di chuyển nơi ở ra xa hơn. Tuy nhiên, cả chính quyền xã cho đến huyện đều khẳng định theo quy hoạch và kế hoạch triển khai thì không có hạng mục tái định cư cho người dân.
“Huyện, xã cứ nói là hai trại lợn không gây ô nhiễm môi trường nhưng thực sự là việc hoạt động đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống chúng tôi. Chẳng lẽ chúng tôi cả đời phải chịu cuộc sống như thế này”, một người dân đặt câu hỏi.
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, việc thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí là một trong những hành vi bị cấm.
Ngoài ra, sắp tới đây khi Luật Chăn nuôi chính thức có hiệu lực thì sẽ cấm chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư trừ nuôi động vật làm cảnh, trong phòng thí nghiệm và không làm ô nhiễm môi trường.
Luật sư Huy An cho rằng, việc quy định khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Cơ quan này sẽ trình Hội đồng nhân dân quyết định.
Luật sư này cho rằng, việc nuôi lợn trong khu dân cư mà không có các biện pháp vệ sinh, khử trùng chuồng trại… rất dễ khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.
Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường nêu rõ, tổ chức cá nhân khi gây ô nhiễm, gây thiệt hại cho người khác phải có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường và bồi thường thiệt hại theo quy định.
Theo đó, Điều 603 Bộ luật Dân sự hiện nay nêu rõ, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Lúc này, việc nuôi lợn khiến không khí bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người dân xung quanh thì chủ nuôi phải có trách nhiệm bồi thường.
Mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp này sẽ do các bên thỏa thuận: Chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, thu nhập thực tế bị mất… và tổn thất tinh thần mà người đó gánh chịu.