Vietcombank lãi hơn 5.700 tỷ đồng quý 3, nợ nghi ngờ mất vốn cũng tăng "sốc"
Khoản lợi nhuận trước thuế quý 3 năm nay của Vietcombank tăng 16% so với quý liền trước và cao hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nợ xấu ngân hàng tăng mạnh. Nợ nghi ngờ mất vốn tăng "sốc" 14 lần.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021 mới được Vietcombank công bố cho thấy nhà băng này vừa trải qua quý kinh doanh tích cực hơn nhiều so với dự báo trước đó của nhiều chuyên gia, với tăng trưởng dương ở hầu hết chỉ tiêu.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) trong quý 3 năm nay đạt gần 5.738 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ 2020. Lũy kế 9 tháng, Vietcombank lãi trước thuế và sau thuế của ngân hàng lần lượt là 19.311 tỷ đồng và 15.471 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ 2020.
Theo báo cáo tài chính, 96,4% lợi nhuận của Vietcombank vẫn đến từ hoạt động ngân hàng. Còn lại, tài chính phi ngân hàng và chứng khoán chỉ lần lượt chiếm 0,5% và xấp xỉ 2,6% trong tổng lợi nhuận trước thuế. Lợi nhuận Vietcombank chủ yếu đến từ tín dụng. Sau 9 tháng, ngân hàng thu gần 10.428 tỷ đồng từ tín dụng, tăng 19,5% so với cùng kỳ 2020.
Đây cũng là kết quả kinh doanh tốt nhất mà Vietcombank ghi nhận được trong 9 tháng kinh doanh đầu hàng năm. Với mức lợi nhuận kể trên, Vietcombank tiếp tục duy trì vị thế là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống.
Trong đó, hoạt động kinh doanh khu vực phía Nam là "gà đẻ trứng vàng" cho Vietcombank khi đóng góp hơn 13.687 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 70,8% trong tổng số lãi trước thuế của ngân hàng. Trong khi đó, phần từ miền Bắc là gần 2.381 tỷ đồng (chiếm 12,3%), miền Trung và Tây Nguyên là 3.192 tỷ đồng (16,5%).
Tính đến cuối tháng 9, ngân hàng này có tổng tài sản vào khoảng 1,39 triệu tỷ đồng, cao hơn 4% so với đầu năm. Trong đó, chỉ tiêu cho vay khách hàng tăng 11%, đạt 936.342 tỷ đồng.
Tính riêng quý 3, số dư cho vay khách hàng của Vietcombank cũng đã tăng 1,6%, cao gấp rưỡi mức tăng chung của toàn hệ thống cùng giai đoạn (gần 1%). Đây là nguyên nhân chính giúp thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng trưởng 2 con số trong quý 3 và đóng góp chính vào đà tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng.
Ở chiều huy động vốn, số dư tiền gửi khách hàng tại Vietcombank đến ngày 30/9 là gần 1,11 triệu tỷ, cao hơn 7% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn chiếm 66% và tiền gửi không kỳ hạn chiếm 31%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cho vay của các ngân hàng, tình hình nợ xấu tại Vietcombank cũng có xu hướng tăng lên so với đầu năm.
Tương tự như nhiều ngân hàng, sau 9 tháng, chất lượng nợ cho vay tại Vietcombank diễn biến khá bất ngờ. Đến 30/9, nợ xấu của ngân hàng tăng tương đối mạnh ở cả 3 nhóm. Mức tăng nợ xấu sau 9 tháng của Vietcombank lên đến 108%.
Cụ thể, sau 9 tháng, nợ dưới tiêu chuẩn của Vietcombank tăng hơn 800 tỷ đồng, tương đương mức tăng 122%. Nợ nghi ngờ mất vốn cũng tăng "sốc"… 14 lần, từ 223 tỷ đồng lên gần 3.122 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn thì tăng hơn 1.900 tỷ đồng, từ hơn 4.337 tỷ đồng lên vượt 6.278 tỷ đồng, tương đương mức tăng 44,7%.
Theo số liệu trên báo cáo tài chính, đến 30/9, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay của Vietcombank là 1,16%, tăng so với mức 0,62% tại thời điểm 31/12/2020.