0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ năm, 28/07/2022 10:50 (GMT+7)

Việt Nam sẽ trở thành quốc gia biển mạnh thời kỳ đến năm 2030

Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển, hướng đến Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh thời kỳ đến năm 2030.

Đến năm 2030 hình thành 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 892/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030.

Mục tiêu của Đề án nhằm tạo dựng các cụm liên kết ngành kinh tế biển phát triển hiệu quả, có sức cạnh tranh hội nhập cao gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển cả nước và các khu vực vùng biển và ven biển trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh hướng đến Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh thời kỳ đến năm 2030.

Đề án phấn đấu tạo dựng cụm liên kết ngành kinh tế biển ở những khu vực vùng biển và ven biển có lợi thế, phấn đấu hình thành được khoảng 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển đến năm 2030; phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trước hết ở những khu vực trọng điểm gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, trong đó phát triển được 3-4 trung tâm kinh tế biển mạnh hàng đầu ở Đông Nam Á.

Các khu vực trọng điểm phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước từ 1,2 lần trở lên.

Việt Nam sẽ trở thành quốc gia biển mạnh thời kỳ đến năm 2030 - Ảnh 1
Phấn đấu tạo dựng cụm liên kết ngành kinh tế biển, hình thành được khoảng 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển đến năm 2030.

Theo phương hướng phát triển chung thì phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển với các thành phần chủ yếu gồm doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức, cơ sở cung ứng dịch vụ, hạ tầng chuyên dụng kinh tế biển, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, thương mại, hội ngành nghề liên quan và tham gia của các cấp, ngành nhất là của các địa phương ven biển; phát triển trên cơ sở nhu cầu hoạt động, hợp tác của doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở kinh tế và yêu cầu phát triển bền vững không phụ thuộc vào ranh giới hành chính; liên kết ngành, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động ở ven biển và trên biển đảo gắn với kết nối với mạng lưới cơ sở liên quan ở trong nội địa, kết nối liên kết giữa các cụm liên kết ngành và với quốc tế.

Phát triển cụm liên kết ngành với các ngành ưu tiên theo Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam có lợi thế phát triển tại vùng biển và ven biển nhất là các ngành sản phẩm, dịch vụ kinh tế biển có chuỗi giá trị gia tăng lớn, ứng dụng công nghệ cao, đóng góp vào tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái biển, ngành nghề kinh tế biển góp phần củng cố tăng cường quốc phòng, an ninh vùng biển đảo. Trong đó, phát triển du lịch biển, đảo là một trong những trọng tâm ưu tiên trên cơ sở liên kết phát triển khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch của từng vùng và toàn bộ dải ven biển Việt Nam.

Đặc biệt phát triển mạnh kinh tế du lịch với các trung tâm, khu tổ hợp du lịch sinh thái, giải trí, nghỉ dưỡng biển, đảo có chất lượng cao, mang tầm quốc tế ở những cụm liên kết ngành kinh tế biển tại miền Trung, khu vực vùng biển Tây Nam (Kiên Giang - Cà Mau) và những khu vực vùng biển có điều kiện phù hợp.

Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trước hết ở những khu vực trọng điểm, có lợi thế gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh đa ngành của quốc gia có sức cạnh tranh hội nhập quốc tế cao và từng bước mở rộng ra toàn vùng; chú trọng phát triển, liên kết ngành gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển lưỡng dụng kết hợp kinh tế với quốc phòng tại những khu vực trọng điểm về quốc phòng an ninh biển đảo của đất nước...

Kinh tế biển trở thành động lực tăng trưởng

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với không ít các vấn đề về phát triển, Việt Nam không chỉ đối mặt với những thách thức chung mà còn là một nước đang phát triển nhanh nên phải đối mặt với các nguy cơ của bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ bỏ lỡ cơ hội vàng để phát triển vươn lên, các vấn đề về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường …

Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế biển nổi lên như là một động lực tăng trưởng mới, bù đắp vào sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế nội địa, đồng thời, cũng là giải pháp để các quốc gia gia tăng ảnh hưởng tại các vùng biển, hải đảo, đặc biệt là các khu vực có nguồn lợi hải sản, trữ lượng tài nguyên, dầu mỏ lớn, các khu vực có tranh chấp và các khu vực có các tuyến thương mại quan trọng của thế giới.

Tại Diễn đàn “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022”, đồng chí Phạm Đại Dương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên khẳng định, kinh tế biển và ven biển đóng góp tỷ lệ lớn vào tổng sản phẩm quốc nội, là nguồn thu ngoại tệ mạnh phục vụ phát triển đất nước.

Đồng thời, việc phát triển kinh tế biển có vai trò quan trọng trong tăng cường sức mạnh tổng hợp, thế và lực của quốc gia cũng như nâng cao “thế trận lòng dân” trên các vùng biển, đảo, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Theo các chuyên gia, để cụ thể hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, trước hết cần có tư duy đổi mới, đột phá, phù hợp với xu thế chung toàn cầu về phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển và bảo tồn biển, nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu..., trong đó, xây dựng kinh tế biển xanh là nền tảng.

Theo đó, kinh tế biển xanh vừa bảo đảm cho kinh tế phát triển, vừa bảo đảm được sự phát triển của các hệ sinh thái biển thông qua các phương thức, như giảm phát thải carbon, tăng trưởng theo chiều sâu, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Việc phát triển kinh tế biển xanh thể hiện rõ vai trò của việc bảo tồn, phát triển bền vững hệ sinh thái biển, hay còn gọi phát triển theo hướng tiếp cận hệ sinh thái.

Việt Nam có lợi thế về giao thông đường biển, khi gần các tuyến đường hàng hải quốc tế và khu vực. Vùng biển Việt Nam nằm tại khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao và là cầu nối giữa nhiều cường quốc kinh tế và chính trị trên thế giới. Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển ngành hàng hải, công nghiệp tàu thủy và logistics, nhất là khi có tới 114 cửa sông, 52 vịnh nước sâu ven bờ miền Trung (vũng, vịnh, đầm phá chiếm 60% chiều dài đường bờ biển), hơn 100 vị trí có thể xây dựng các cảng biển lớn. Mặt khác, vị trí thuận tiện cho giao thông và các vũng, vịnh kín có độ sâu lớn, không gian rộng lớn ở ven biển và trên bờ biển rất thuận lợi làm cảng biển và phát triển các khu kinh tế ven biển.

Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhấn mạnh, thế kỷ 21 được xem là thế kỷ của đại dương, biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng, “ra biển là thịnh vượng, ngược biển là suy tàn”.

Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng nhiệm vụ trước mắt cần tập trung thực hiện một số nội dung cụ thể như kiến tạo môi trường chính sách hợp lý cho nền kinh tế biển bền vững, kinh tế xanh để khai thác bảo vệ hiệu quả tài nguyên môi trường phát triển bền vững kinh tế biển, thúc đẩy thu hút, huy động được các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế biển mới như: điện gió ngoài khơi, nuôi, đánh bắt xa bờ, tập trung thăm dò, khai thác các loại khoáng sản chiến lược…; khẩn trương triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo…

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam sẽ trở thành quốc gia biển mạnh thời kỳ đến năm 2030. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới