Việt Nam nhập hơn 1 triệu tấn thóc từ Campuchia
Các thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Campuchia đều tăng mạnh nhập khẩu trong 10 tháng qua so với cùng kỳ 2019.
Thông tin từ Bộ trưởng Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Campuchia, trong 10 tháng năm 2020, Campuchia đã xuất khẩu hơn 530.000 tấn gạo. Đây là mức tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2019.
Bộ trưởng Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Campuchia cũng thông tin, có 60 quốc gia đặt mua gạo từ Campuchia trong 10 tháng qua.
Việt Nam nhập hơn 1 triệu tấn thóc từ Campuchia |
Các thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Campuchia đều tăng mạnh nhập khẩu trong 10 tháng qua so với cùng kỳ 2019, bao gồm: Xuất khẩu sang các nước châu Âu đạt tổng cộng 174.391 tấn (tăng 32,51%); Trung Quốc đạt 194.451 tấn (tăng 36,26%) và các nước thành viên ASEAN với tổng lượng 71.882 tấn (tăng 13,40%).
Cũng trong 10 tháng qua, số lượng thóc của Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam (tính đến ngày 28/10) đạt 1.427.226 tấn.
Ông Lun Yeng, Tổng thư ký Liên đoàn Gạo Campuchia cho biết, diện tích trồng lúa trên cả nước Campuchia hiện có hơn 2,7 triệu ha. Thời gian qua, lũ lụt đã ảnh hưởng đến hơn 213.000 ha lúa, trong đó hơn 32.000 ha bị thiệt hại nặng. Do đó có thể làm giảm lượng thóc xuất khẩu sang Việt Nam vốn đạt tới hơn 2 triệu tấn/năm. Ngoài ra, giá thóc cũng sẽ tăng vì các nhà máy chế biến gạo sẽ có nhu cầu thu mua nhiều thóc hơn.
Ở chiều ngược lại, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Campuchia trong tháng 8/2020 đạt 332,94 triệu USD, giảm 25,45% so với tháng trước đó, dẫn đến tổng kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm cũng giảm 7,83% so với cùng kỳ, đạt 2,7 tỷ USD.
Trong các mặt hàng xuất sang Campuchia 8 tháng/2020, có 5 mặt hàng đạt kim ngạch trăm triệu USD và đều sụt giảm so với cùng kỳ. Cụ thể: Sắt thép các loại đạt 551,5 triệu USD (-20,95%), chiếm 20,4% thị phần; Hàng dệt, may đạt 372,03 triệu USD (-5,85%), chiếm 13,76% thị phần; Xăng dầu các loại đạt 167,67 triệu USD (-43,45%), chiếm 6,2%; Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 143,98 triệu USD (-21,32%), chiếm 5,32%; Sản phẩm từ sắt thép đạt 100,82 triệu USD (-3,49%), chiếm 3,73%.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm