Việt Nam huy động 90.000 tỷ xây đường sắt kết nối cảng biển
Cục Đường sắt Việt Nam vừa trình Bộ GTVT đề xuất kêu gọi đầu tư nước ngoài với số vốn gần 90.000 tỷ đồng để triển khai xây dựng hai dự án đường sắt kết nối đến cảng cửa ngõ Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải (CM-TV).
Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam thông tin, Dự án đầu tư đường sắt vào cảng Lạch Huyện đang ở bước lập dự án, thay thế tuyến đường sắt đến cảng Hải Phòng đo hạn chế khai thác và ảnh hưởng của giao thông đô thị.
Dự án có điểm đầu là ga Dụ Nghĩa trên khu gian Dụ Nghĩa - Vật Cách, tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng, điểm cuối là ga Tiền Cảng, ga phân loại, với hướng tuyến cải tạo ga Dụ Nghĩa và mở mới ga Nam Hải Phòng.
Từ ga Dụ Nghĩa tuyến đường vượt qua sông Lạch Tray theo hướng xuống phía nam của TP Hải Phòng tới ga Nam Hải Phòng thuộc khu vực xã Minh Tân, tới bán đảo Đình Vũ, qua cầu Tân Vũ đến ga Đình Vũ. Từ ga Đình Vũ, tuyến song song với đường bộ qua cửa Nam Triệu đến ga phân loại. Từ ga phân loại, tuyến rẽ phải chạy dọc cầu tàu, cập bến trong cảng Lạch Huyện.
Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 32.600 tỷ đồng, dự kiến thời gian thu hồi vốn là 25 năm và thời gian hoàn trả vốn vay là 30 năm.
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, hiện đã được lập dự án đầu tư, được Bộ GTVT chấp thuận kết quả nghiên cứu, cập nhật nghiên cứu khả thi hoàn thành năm 2019 do Koica tài trợ.
Tuyến đường sắt này có chiều dài 84km, khổ 1.435mm và đi song song QL51, đi qua khu vực cảng CM-TV và cảng Bến Đình - Sao Mai. Dự án có vốn đầu tư dự kiến rơi vào khoảng 56.800 tỷ đồng. Thời gian thu hồi vốn là 19 năm, thời gian hoàn trả vốn vay là 30 năm.
Với hai dự án nêu trên, Cục Đường sắt đã đề xuất kêu gọi đầu tư nước ngoài theo hình thức tài trợ vốn, hợp tác hoặc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật; liên doanh, góp vốn mua cổ phần hoặc cung cấp thị trường. Đặc biệt, dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đã được đưa vào danh mục Bộ GTVT kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT.
Theo Đại diện Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, các dự án đầu tư của phương thức này sẽ khó thực hiện được dưới hình thức PPP, đặc biệt là tại khu vực Cái Mép-Thị Vải. Dự án đường sắt kết nối CM-TV sẽ có tính khả thi cao hơn khi được đầu tư bằng vốn ngân sách.
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Phó trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, việc phê duyệt chủ trương đầu tư là điều cần thiết. Với dự án đường sắt mới đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), rất khó kêu gọi nhà đầu tư bỏ ra số tiền lớn để đầu tư cả dự án vì thời gian thu hồi vốn sẽ kéo dài.
Cần phải xác định rõ các hạng mục nhà nước có thể tham gia, để tạo sức hút với nhà đầu tư. Theo đó nhà nước có thể đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt chính, tư nhân đầu tư đầu máy - toa xe hoặc đầu tư kho, bãi. Có như vậy dự án mới khả thi.
Theo ông Tùng, pháp luật đang quy định Nhà nước chỉ đầu tư đường sắt chính tuyến phía ngoài cảng, còn đường sắt trong cảng phải do doanh nghiệp đầu tư. Điều này sẽ nảy sinh bất cập khi các doanh nghiệp cảng không đầu tư hoặc có nhu cầu nhưng thời gian đầu tư chưa được xác định cụ thể. Khi đó, đường sắt chính tuyến sẽ không phát huy được hiệu quả vì không thể kết nối tận chân hàng.