Việt Nam chỉ đáp ứng 2/6 tiêu chí bảo vệ người tiêu dùng tài chính
Trong 6 tiêu chí để đánh giá hoạt động bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính thì Việt Nam hiện chỉ đáp ứng được 2 yếu tố.
Sáng 24/12 đã diễn ra diễn đàn An ninh tài chính tiền tệ. Tham gia sự kiện, TS Đinh Thị Thanh Vân (Khoa Tài chính ngân hàng - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Việt Nam chưa có một luật cụ thể, riêng biệt về bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính.
Cụ thể theo số liệu của VNCERT, trong năm 2020 có khoảng 50 triệu người dùng bị đánh cắp thông tin (gồm số điện thoại cá nhân và tài khoản gmail). Tại Việt Nam, tỷ lệ tổn thất do các hành vi lừa đảo trên mạng cũng tăng.
Việt Nam chỉ đáp ứng 2/6 tiêu chí bảo vệ người tiêu dùng tài chính |
Đáng chú ý, hoạt động bảo vệ người tiêu dùng tài chính ở Việt Nam được đánh giá là khá sơ sài. Cụ thể, trong 6 tiêu chí để đánh giá hoạt động bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính thì Việt Nam hiện chỉ đáp ứng được 2 yếu tố là: Có cơ quan quản lý khiếu nại và có hỗ trợ khách hàng bằng đường dây nóng.
Các tiêu chí khác gồm: Phổ cập các chương trình về rủi ro tiêu dùng; xử lý trực tiếp khiếu nại; nhận báo cáo khiếu nại từ các tổ chức tài chính và kiểm soát chất lượng phục vụ…) đều được các quốc gia khác (Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Malaysia) áp dụng, nhưng chưa ghi nhận có áp dụng tại Việt Nam.
TS Đinh Thị Thanh Vân khuyến nghị cần thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện Bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Bộ Công thương có thể có bộ phận riêng biệt cho lĩnh vực tài chính, thành lập Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng tài chính, cần có Luật bảo vệ người tiêu dùng tài chính riêng: cơ chế giải quyết khiếu nại, trách nhiệm của tổ chức tín dụng… Cùng với đó, tăng cường công tác giáo dục tài chính, phát triển tài chính toàn diện, nâng cao trình độ tự bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm dịch vụ tài chính.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm