0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ sáu, 24/12/2021 16:03 (GMT+7)

Vì sao VAR lại không được áp dụng tại AFF Cup 2020?

Từ khi được áp dụng, VAR đã hỗ trợ khá nhiều cho các trọng tài xử lý các tình huống đúng trên sân bóng đá. Tuy nhiên vì sao VAR lại không được áp dụng tại AFF Cup 2020?

Thất bại 0-2 của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan vào đêm qua (23/12), trọng tài Al-Adba người Qatar đã bỏ qua nhiều lỗi của cầu thủ đội bóng xứ chùa vàng, khiến kết quả trận đấu bị sai lệch. Sau trận đấu, HLV  cho rằng AFF Cup nên có VAR để các quyết định của trọng tài chính xác hơn. 

tm-img-alt
Trọng tài Al-Adba tỏ ra non tay trong các quyết định ở trận bán kết. Ảnh: Sưu tầm

Trong ngày hôm nay, tại buổi họp báo trước trận bán kết lượt về, HLV Shin Tae Yong của đội tuyển Indonesia cũng nói rằng AFF Cup nên áp dụng VAR, bởi trong trận bán kết lượt đi với Singapore, đội bóng của ông mất trắng một quả phạt đền. Đó là tình huống cầu thủ Singapore phạm lỗi với cầu thủ Indonesia, điểm phạm lỗi ở trong vòng cấm địa, nhưng trọng tài chính lại xác định điểm phạm lỗi nằm ngoài vòng cấm.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, AFF Cup 2020 được tổ chức tại Singapore từ 5/12/2022 tới 1/1/2022. Các trận đấu diễn ra tại sân vận động quốc gia Singapore và sân vận động Bishan. Việc chỉ dùng hai sân cho giải đấu rất thuận lợi cho việc áp dụng VAR vào các trận đấu của giải. Tuy nhiên, trước khi giải đấu bắt đầu chừng nửa tháng, ban tổ chức AFF Cup thông báo rằng giải đấu năm nay sẽ không có VAR.

VAR (Video Assistant Referee) là công nghệ video hỗ trợ trọng tài, kể từ khi được áp dụng vào các giải bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới, VAR đã hỗ trợ cho các trọng tài có nhiều quyết định chính xác hơn, ít gây tranh cãi hơn, ở các giải đấu lớn của FIFA, AFC đều sử dụng VAR. Tuy nhiên, VAR cũng không phải vấn đề "muốn là có".

Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) Patit Supaphong cho biết: "VAR không chỉ là thiết lập thiết bị. Giải đấu cần có giấy phép và các trọng tài, cả trên sân và trong phòng điều khiển, những người quen thuộc với công nghệ này.

Chúng tôi phải thừa nhận rằng không nhiều trọng tài ở ASEAN quen thuộc với VAR. Ngay cả chủ nhà Singapore cũng không sử dụng VAR ở các giải đấu trong nước".

Có hai vấn đề ảnh hưởng lớn tới việc các giải đấu dùng VAR hay không. Trước hết là chi phí lắp đặt và vận hành VAR khá đắt. 

Khi tuyển Việt Nam thi đấu vòng loại thứ ba World Cup 2022, để được thi đấu trên sân nhà, sân Mỹ Đình phải được lắp đặt VAR, nếu không sẽ buộc phải đi thuê sân trung lập có VAR. Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã tháo gỡ khó khăn cho Việt Nam bằng cách hỗ trợ lắp đặt và vận hành VAR, được biết chi phí lên tới hơn chục tỷ đồng. Vì vậy, đây có thể là một rào cản khiến AFF không xin AFC cấp phép để sử dụng VAR.

tm-img-alt

Trọng tài tham khảo công nghệ VAR. nhưng cũng khó tránh khỏi quyết định cảm tính. Ảnh: CGI.

Như ông Patit đã nói, không có nhiều trọng tài ở khu vực Đông Nam Á có chuyên môn về VAR. Điều này càng gây khó khăn hơn cho việc dùng VAR tại AFF Cup. Khi đó muốn dùng VAR, ban tổ chức AFF phải mời nhiều trọng tài hơn (có thêm tổ trọng tài trong phòng VAR ở mỗi trận), tất cả họ đều phải có chuyên môn về VAR. Điều này không dễ thực hiện khi các khu vực khác của châu lục vẫn có nhiều giải đấu đang diễn ra. Vì vậy, AFF Cup 2020 không dùng VAR.

VAR chỉ là công nghệ hỗ trợ trọng tài, quyết định trên sân vẫn là các trọng tài chính điều khiển trận đấu. Trên thực tế, đội tuyển Việt Nam từng không mấy vui vẻ với VAR tại vòng loại thứ ba World Cup 2022, nhiều tình huống trọng tài có sự hỗ trợ của VAR nhưng tiếng còi vẫn "méo". Vấn đề lớn nhất vẫn là con người, vì vậy không nên quá kỳ vọng ở VAR.

Bạn đang đọc bài viết Vì sao VAR lại không được áp dụng tại AFF Cup 2020?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới