Vì sao phải thần tốc xét nghiệm diện rộng?
Việc xét nghiệm toàn dân trên diện rộng đã giúp phát hiện sớm nguồn lây nhiễm để cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời; tránh việc giãn cách kéo dài trên phạm vi rộng, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Phân tích lý do thực hiện thần tốc xét nghiệm diện rộng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, biến thể Delta lần này có đặc điểm sinh học rất khác biệt so với các biến chủng trước đây, nồng độ virus trên dịch hầu họng của bệnh nhân mắc biến thể này cao gấp 1.000 lần so với các biến thể trước đó.
Đồng thời, tỉ lệ lây nhiễm bệnh rất cao, một người có thể lây sang 9-10 người, chu kỳ lây nhiễm ngắn, chỉ sau 48 giờ nhiễm virus, lượng virus đã có thể phát triển rất nhanh và lây cho người khác. Đặc biệt, trong thực tế, bệnh nhân có thể lây cho người khác mà không có dấu hiệu triệu chứng.
Chính vì vậy, để nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, không để tình trạng giãn cách kéo dài trên diện rộng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã có hướng dẫn tất cả các đơn vị triển khai thần tốc xét nghiệm trên diện rộng, để nhanh chóng phát hiện các ca bệnh, từ đó triển khai các biện pháp cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời, hạn chế phong tỏa hay giãn cách kéo dài trên diện rộng, đồng thời thực hiện chăm sóc điều trị người bệnh một cách phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng cho biết, xét nghiệm thần tốc diện rộng sẽ đánh giá được tình hình dịch tễ, mức độ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng tại thời điểm đó.
Tại Hà Nội, việc thực hiện xét nghiệm thần tốc diện rộng khi đang giãn cách nhằm khẳng định dịch thời điểm này đang ở mức độ nào.
“Trong thời gian giãn cách, thực hiện xét nghiệm thần tốc, số ca nhiễm trong cộng đồng ít, dịch không bùng lên, chứng tỏ dịch tại Hà Nội đang được kiểm soát. Song song với việc đẩy nhanh bao phủ tiêm mũi 1 vaccine cho người dân, Hà Nội cần tính toán lại phương án thực hiện giãn cách xã hội đối với từng khu vực”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga phân tích.
Các chuyên gia dịch tễ cũng cho rằng, việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 diện rộng tại những nơi đang thực hiện giãn cách hoặc tăng cường giãn cách xã hội có ý nghĩa và quan trọng.
Thứ nhất, phát hiện F0, từ đó chủ động phòng chống dịch bệnh và có các giải pháp tiếp theo.
Thứ hai, giảm được tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Việc xét nghiệm có thể không phát hiện được hết các ca F0, nhưng cũng “quét” được một tỉ lệ ca mắc bệnh nhất định.
Tiêm vaccine đồng thời tuân thủ các biện pháp phòng dịch
Theo khuyến cáo của PGS.TS Nguyễn Huy Nga, mỗi người dân hãy tự bảo vệ mình là một vùng xanh, từ đó mỗi gia đình, mỗi cơ quan, mỗi xí nghiệp hãy bảo vệ mình để mở rộng vùng xanh, bằng cách tiêm vaccine đủ liều, đồng thời thực hiện xét nghiệm khi cần thiết, những nơi có nguy cơ, nguy cơ cao thì cần phải được xét nghiệm.
Bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho rằng, tiêm đủ liều vaccine COVID-19 là biện pháp lâu dài để phòng bệnh.
Đồng thời, người dân cần phải tuân thủ thực hiện hướng dẫn 5K của Bộ Y tế, vì khi đã tiêm đủ liều vaccine phòng bệnh, người dân vẫn có thể mắc bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng nhấn mạnh, tỉ lệ tử vong ở những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19 theo các báo cáo khoa học là thấp hơn so với nhóm chưa tiêm hoặc mới tiêm một mũi.
Tuy nhiên, việc tiêm không đồng nghĩa với việc họ được tự do đi lại vì họ vẫn có thể lây bệnh cho người khác.
Do đó, những người đã tiêm 2 mũi vaccine vẫn cần phải thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho cộng đồng.
Hướng dẫn mới nhất (ngày 15/9) của Bộ Y tế về xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống dịch khi giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội, tiếp tục nhấn mạnh, thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch.
Cụ thể, đối với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (vùng đỏ, vùng cam) phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để phát hiện ngay các trường hợp mắc bệnh, cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm real-time RT-PCR.
Đối với các địa bàn còn lại, thực hiện xét nghiệm từ 5-7 ngày/lần. Thực hiện việc gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề. Khi xét nghiệm RT-PCR phải bảo đảm trả kết quả trong thời gian 12 giờ.