Vì sao ngân hàng đồng loạt thanh lý ô tô
Từ cuối tháng 6, hàng loạt ngân hàng thương mại liên tục phát đi thông báo về việc bán, thanh lý tài sản bảo đảm là ôtô để thu hồi và xử lý các khoản nợ đi kèm.
Phong phú chủng loại
Danh sách tài sản bán đấu giá vừa cập nhật của NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có 22 ôtô các loại hiệu Hyundai, Chevrolet, Ford, BMW, ôtô tải Trường Giang… Giá khởi điểm từ 276 triệu đồng đến 3,14 tỉ đồng/chiếc tùy loại. Trước đó, cuối tháng 6, VPBank cũng thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản để thanh lý 17 ôtô khác.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa rao bán đấu giá 5 ôtô thương hiệu Toyota, Chevrolet, Thaco và Kia để thu hồi các khoản nợ của khách hàng cá nhân tại NH này. Trong đó, giá khởi điểm Toyota Vios E từ 381 triệu đồng…
Ở Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đang có tổng cộng 59 phương tiện vận tải được rao thanh lý, chủ yếu là ôtô dưới 9 chỗ các dòng Toyota Vios, Ford Transit, Toyota Innova, Honda City, Chevrolet Colorado, Mitsubishi Pajero, Peugeot… Các loại xe này được rao giá từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỉ đồng. Chẳng hạn, chiếc Mitsubishi Attrage đời 2017, xuất xứ Thái Lan, được giới thiệu "ngoại hình đẹp, nội thất tốt" có giá khởi điểm 286 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hoạt động thanh lý ôtô và các loại tài sản khác như máy móc, thiết bị, nhà xưởng đến bất động sản được nhiều NH thương mại đẩy mạnh gần đây. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến ngành kinh doanh vận tải, xe công nghệ bị tác động nặng nề. Không hiếm khách vay mua xe trả góp để chạy dịch vụ, chạy xe công nghệ, vay đầu tư mua ôtô cho thuê… đã không có khả năng trả nợ và bị NH đấu giá tài sản thế chấp để thu hồi vốn. Ôtô dạng này thường được rao bán rẻ hơn thị trường từ 8%-20% và được đánh giá là thanh khoản tốt, khả năng giao dịch trên thị trường cao.
Ôtô thanh lý đăng trên website của một ngân hàng. (Ảnh chụp màn hình)
Khó tính được các chi phí phát sinh
Theo giới kinh doanh, ôtô thanh lý của nhiều NH có giá không rẻ, thậm chí còn cao hơn giá thị trường. Bởi các NH khi đấu giá tài sản sẽ đưa ra giá khởi điểm cao nhất để khách hàng (chủ đại lý, cửa hàng kinh doanh xe cũ) thương lượng xuống giá phù hợp. Khách hàng nào chấp nhận mua với giá chênh lệch ít nhất so với mức khởi điểm thì NH sẽ bán cho người đó. Như vậy, khách hàng không chắc được lợi về giá nếu chọn xe cũ do NH bán thanh lý.
Chưa kể, các đại lý mua xe thanh lý từ NH còn phải chịu phí sang tên từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng mỗi xe; truy thu phí bảo trì đường bộ từ 1,5-2 triệu đồng/năm/xe; phí sửa chữa để đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, an toàn tại cơ quan đăng kiểm. Trong khi đó, các đại lý chưa rõ xe thanh lý không được đăng kiểm trong thời gian dài, có được cơ quan chức năng cho phép tiếp tục đăng kiểm hay phải đăng kiểm lại? Tất cả các chi phí này sẽ khiến giá xe do NH thanh lý bị "đội" lên đáng kể.
Ngoài ra, việc mua xe thanh lý đòi hỏi người mua phải có đủ kinh nghiệm đánh giá tình trạng xe, thủ tục pháp lý, các bước làm giấy tờ, trong khi khách hàng cá nhân thường không am hiểu về việc này nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Lê Thanh Tuấn, chủ đại lý xe cũ ở quận Bình Thạnh (TP HCM) cho biết, đối với xe thanh lý từ NH, thông thường xe đẹp, chất lượng tốt đều đã được nhân viên NH hoặc người "quen" mua trước. Còn lại xe xấu, xuống cấp mới đưa ra đấu giá để các đại lý, doanh nghiệp kinh doanh xe cũ mua lại. Chưa kể, NH không chịu trách nhiệm lo thủ tục sang tên cho người mua xe thanh lý mà chỉ cung cấp hồ sơ liên quan để khách hàng tự làm nên khách lẻ thường không mua loại xe này.
Ông Từ Minh Nhật, chuyên mua bán ôtô cũ tại các quận Bình Tân, Tân Bình (TP HCM), cho rằng khi NH siết nợ từ khách hàng với tài sản là ôtô được thế chấp, các xe này sẽ được mang về bãi chứa, khâu bảo quản rất kém nên khó tránh khỏi chất lượng xe giảm sút. Xe thế chấp thường đã được hoạt động với công suất cao, xe chạy dịch vụ, chạy đường dài, xe bị đụng… nên có thể chất lượng kém. Nhiều xe khi nhận về phải làm vệ sinh hoặc đại tu khá tốn kém.
Trưởng bộ phận xử lý nợ của một NH thương mại cổ phần tại TP HCM thừa nhận đa số xe NH thanh lý sẽ được các đại lý mua bán xe cũ gom về, tân trang lại rồi mới bán ra thị trường. "Dù thông tin về tình trạng xe, dòng xe, đời xe, giá khởi điểm… đều được NH công khai trên website nhưng khách lẻ vẫn ngại các vấn đề về giấy tờ, thủ tục sang tên bởi liên quan đến khoản nợ của người vay, thậm chí nợ xấu" - vị trưởng bộ phận xử lý nợ này phân tích.
Không thể bán tháo, giá rẻ
Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ hệ thống đại lý ôtô cũ tại TP, nhận xét nguồn cung ôtô cũ từ NH ra thị trường thời gian gần đây có tăng lên nhưng chưa đủ lớn để ảnh hưởng đến giá cả. Thời gian đấu giá của các NH thường kéo dài đến vài tuần nên lượng xe ra thị trường chỉ nhỏ giọt. Chưa kể, NH đặt nặng vấn đề thu hồi nợ nên phải bán để thu hồi khoản nợ ở mức hợp lý nhất, không thể bán tháo với giá rẻ.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm