0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ ba, 09/11/2021 16:23 (GMT+7)

Vì sao hàng loạt nhà máy xử lý rác thải bị ngân hàng siết nợ?

Gần đây, hàng loạt công ty bị ngân hàng siết nợ với lý do đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nhà máy rác nhưng chậm tiến độ, không đạt công suất hoạt động và không thể tiếp tục vận hành.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ra thông báo bán đấu giá khoản nợ của CTCP đầu tư Thành Quang, chủ đầu tư của nhiều dự án nhà máy xử lý rác lớn tại Hà Nội. Tổng dư nợ ước tính đến thời điểm 21/3/2021 là hơn 670 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 469 tỷ đồng và dư nợ lãi khoảng 201 tỷ đồng.

tm-img-alt
Hàng loạt nhà máy xử lý rác thải bị ngân hàng siết nợ. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, tới nay, ngân hàng đặt mức giá khởi điểm xuống còn hơn 547 tỷ đồng, tức thấp hơn 22% so với ban đầu. Mức giá này chưa bao gồm các thuế phí khác.

TSĐB của khoản nợ gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Đông Anh, Hà Nội và máy móc thiết bị của Dự án Nhà máy xử lý rác thải huyện Đông Anh và tài sản gắn liền với đất hình thành từ vốn vay tại xã Việt Hùng (diện tích 88.514 m2, đất thuê thời hạn 49 năm từ năm 2011).

CTCP Đầu tư Thành Quang được thành lập vào tháng 10/2004 với các cổ đông sáng lập gồm Nguyễn Thanh Quang, Nguyễn Văn Dũng và Đàm Văn Hoàng.

Tại thời điểm tháng 8/2018, công ty có vốn điều lệ 250 tỷ đồng. Khi đó, ông Quang, người đại diện của doanh nghiệp cho đến hiện tại, sở hữu 90% vốn của công ty; 5% được sở hữu bởi ông Dũng; ông Hoàng không sở hữu cổ phần nào.

Ngoài dự án Khu xử lý rác Đông Anh, Công ty Thành Quang còn thực hiện dự án Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình, tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Bên cạnh đó, ngân hàng VietinBank chi nhánh Phú Quốc cũng thông báo về việc xử lý khoản nợ của CTCPNăng lượng tái tạo Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu).

Tổng nợ của Công ty Toàn Cầu tại VietinBank Phú Quốc tính đến ngày 5/11/2021 là hơn 105,4 tỷ đồng.Trong đó, dư nợ gốc gần 85,6 tỷ, dư nợ lãi là gần 19,9 tỷ đồng. Giá bán/chuyển nhượng theo thỏa thuận.

Phía ngân hàng cho biết công ty này vay vốn để thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện rác tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với công suất dự kiến 200 tấn rác/ngày. Theo đó, dự án đã xây dựng hoàn tất hạ tầng và lắp đặt máy móc thiết bị, tuy nhiên do công suất hoạt động không đạt nên dự án không thể tiếp tục vận hành.

Tài sản bao gồm dây chuyền máy móc thiết bị xử lý rác theo công nghệ khí hóa phát điện do  ông Nguyễn Gia Long của Công ty TNHH Thủy Lực Máy thiết kế và chế tạo.

Ngoài ra, TSBĐ còn có các công trình xây dựng thuộc dự án như Khu nhà xưởng chính có diện tích 5.800 m2; Khu nhà đặt máy phát điện có diện tích 1.200 m2; Các công trình khác có diện tích 2.641 m2 (gồm: Khu hành chính 436 m2, bãi đậu xe 298 m2, hệ thống làm lạnh và lọc khí Syngas 674 m2, cống thoát nước 144 m2 và đường nội bộ 1.089 m2).

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, lượng rác thải tại Việt Nam là khoảng 50.000 tấn/ngày, trong đó tại các đô thị là khoảng 35.000 tấn/ngày, còn lại là rác thải ở vùng nông thôn nhưng trên 80% được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp.

Với lượng rác thải rắn phát sinh hằng ngày lớn như vậy, nếu không có nhà máy xử lý hiện đại thì trong tương lai không xa sẽ không còn đất để chôn lấp, môi trường bị đe dọa.

Bạn đang đọc bài viết Vì sao hàng loạt nhà máy xử lý rác thải bị ngân hàng siết nợ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới