Vấn nạn lừa đảo trên các nền tảng game blockchain nguy hại với người dùng
Lợi dụng trào lưu đầu tư sinh lời trên các nền tảng game blockchain, nhiều đối tượng đã có hành vi lừa đảo khiến cho người chơi rơi vào cảnh dở khóc dở cười.
Trào lưu kiếm tiền từ game blockchain
Thời gian gần đây, những tựa game blockchain như Axie Infinity hay Simba Empire đang nổi lên như 1 xu hướng. Trong thời giãn cách xã hội, nhiều người đã bắt đầu tham gia sân chơi này để kiếm thêm thu thập.
Theo đó, Axie Infinity là trò chơi lấy cảm hứng từ Pokemon của Nintendo - đang dẫn đầu trào lưu chơi game kiếm tiền tại nhiều quốc gia trên thế giới. Số liệu mới nhất của Sky Mavis - công ty đứng sau trò chơi này - cho thấy game hiện có khoảng 350.000 tài khoản hoạt động hàng ngày, 40% số đó tại Philippines, tiếp theo là Venezuela và Mỹ.
Theo CNBC, mùa hè 2020, Axie Infinity đã trở thành hiện tượng ở Cabanatuan phía Bắc thủ đô Manila, Philippines. Ảnh hưởng bởi dịch bệnh, không thể ra ngoài, người dân ở đảo quốc tìm đến trò chơi này để kiếm tiền.
Nhiều người tạo ra thu nhập trên nền tảng game blockchain trong thời gian giãn cách. Ảnh: Platoaistream
Malaysia cũng là thị trường tăng trưởng nhanh của Axie Infinity. Theo Rakyat Post, lượng người chơi tại nước này đã đạt mức hàng chục nghìn và tiếp tục tăng mạnh. Không chỉ những người am hiểu về tiền điện tử, game đang dần tiếp cận nhiều người dùng hơn, trong đó có nhân viên văn phòng, người nội trợ...
Tại Việt Nam, Axie Infinity cũng nhận được sự chú ý không kém. Trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm thảo luận về game thu hút hàng trăm nghìn thành viên tham gia. Các chủ đề về hướng dẫn cách chơi, cách xây dựng team hoạt động hiệu quả nhận được hàng trăm lượt bình luận.
Trong game, người chơi sẽ sở hữu một đội thú cưng "ảo" được gọi là Axie. Tuy nhiên, các Axie này không cung cấp miễn phí. Thay vào đó người chơi phải bỏ ra số tiền ban đầu khoảng 1.000 USD (khoảng 25 triệu đồng). Đây được xem là rào cản của không ít người chơi khi mới bắt đầu.
Sau khi xây dựng đội hình, người chơi sẽ đi chiến đấu, nhân giống, hoặc thu thập các thú hiếm. Phần thưởng nhận về từ việc chiến đấu thắng hoặc bán Axie là các đồng tiền mã hóa tên Smooth Love Potion (SLP), có thể bán lấy tiền. Theo thống kê, trung bình một người chơi chuyên nghiệp có thể thu được 5.400 đến 7.500 SLP mỗi tháng, tương đương 30 đến 40,5 triệu đồng.
Anh M.D (nhân viên văn phòng, TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ, cho biết đã tìm hiểu Axie Infinity sau khi game này rộ lên hồi tháng 7. Khi đó, công ty anh không thể tiếp tục trả lương cho toàn bộ nhân viên. Anh nằm trong danh sách bị cho thôi việc. Nhờ tư vấn của một số người bạn và tìm hiểu trên Internet, anh quyết định trích phần lớn trong số tiền 30 triệu đồng tiết kiệm để đầu tư. Khi mới chơi, anh kiếm trên 500.000 đồng mỗi ngày và vừa thu hồi vốn. Hiện số tiền ít hơn do game có các cập nhật mới và giá SLP giảm gần một nửa, nhưng với anh như vậy là đủ.
Nếu Axie Infinity cần số vốn lớn, từ 15 triệu đồng trở lên, để tham gia và không có giai đoạn chơi thử, một số game blockchain khác lại có cách tiếp cận người chơi dễ hơn. Gần đây, một game khác là Simba Empire, phát hành từ giữa tháng 8, cũng bắt đầu thu hút một số người tại Việt Nam tham gia.
Trong game này, người chơi sẽ đổi tiền để mua token của game là SIM, sau đó mua các nhân vật và vật phẩm. Nhân vật game cấp thấp nhất có chi phí hiện khoảng 18.000 đồng nên việc tiếp cận cũng dễ dàng hơn. Người chơi có thể bắt đầu với game đội hình level thấp, nhưng mất thời gian và kém hiệu quả.
Theo V.C (sinh viên, quê Đắk Lắk) chơi Simba Empire từ ngày đầu ra mắt, các nhân vật cấp thấp không có nhiều tác dụng khi đánh quái trong game. Để ghép đội hình đủ mạnh cần đầu tư hơn 5 triệu đồng cho ít nhất 16 nhân vật level 6. Tùy chiến thuật chơi và độ may mắn, anh C chỉ cần khoảng 10 ngày là có thể thu hồi vốn.
Với số lượng lớn người chơi để tạo ra thu nhập cho bản thân, vừa qua, đại diện Sky Mavis, công ty đứng sau game Axie Infinity cho biết, lượng người chơi game Axie Infinity tại Việt Nam hiện chiếm 2,59% trên toàn cầu vào tháng 8, tăng nhẹ so với mức 2,3% của tháng 7 - thời điểm game được chú ý nhiều nhất. Tuy nhiên, chỉ số tương tác mỗi ngày (DAU) của game tại Việt Nam tăng tới 87% trong cùng mốc thời gian, từ 800.000 lượt trong tháng 7 lên 1.500.000 lượt vào tháng 8.
Trong khi đó, thống kê của Simba Empire Finance cho thấy sau 1 tuần ra mắt, có hơn 4.000 người trải nghiệm phiên bản beta và hơn 2.500 game thủ tham gia chính thức. Còn theo số liệu của mạng lưới Blockchain Polygon, Simba Empire là dự án NFT có lượng giao dịch lớn nhất tuần cuối tháng 8 với hơn 1 triệu token SIM được giao dịch.
Không chỉ tại Việt Nam, trào lưu chơi game blockchain kiếm tiền còn xuất hiện ở nhiều quốc gia. Theo trang thống kê PlayerCounter, Axie Infinity nhận được sự quan tâm nhiều nhất, nhất là tại các quốc gia như Philippines, Venezuela, Mỹ hay Thái Lan với hơn 110.000 người chơi cùng thời điểm. Đối với một số người, việc chơi game hiện được xem như một kênh đầu tư trong giai đoạn khó khăn.
Cẩn trọng với những mánh khoé lừa đảo trên nền tảng game trực tuyến
Theo dữ liệu từ Coingecko, với 8 tiếng bỏ ra mỗi ngày để chơi Axie Infinity, người chơi tại Malaysia và Philippines hiện kiếm khoảng 185 SLP mỗi ngày. Tùy theo biến động giá, người chơi có thể thu về 13,88 USD (300.000 đồng) mỗi ngày, hoặc 1.665 USD (hơn 38 triệu đồng) mỗi tháng.
Còn tại Việt nam, một số người chơi chuyên nghiệp cho biết họ có thể kiếm từ 180 đến 250 SLP với một tài khoản mỗi ngày, tức là 5.400 đến 7.500 SLP mỗi tháng. Nếu tính theo giá trị 0,24 USD (khoảng 5.500 đồng) mỗi đồng ở thời điểm 31/7, số tiền người chơi thu về có thể tới 30 đến 40,5 triệu đồng. Với những người có từ hai tài khoản trở lên, số tiền thu về cũng nhiều hơn.
Bên cạnh đó, việc lai tạo ra những Axie cũng là cách giúp game thủ kiếm hàng chục, thậm chí là hàng trăm nghìn USD nếu may mắn. Axie đắt đỏ nhất hiện nay xuất hiện vào cuối 2020, thuộc về một tài khoản có tên Angel và có giá bán 300 ETH, tức khoảng 120.000 USD (hơn 2,75 tỷ đồng) khi đó.
Giao diện game Simba Empire. Ảnh: Coinspeaker
Tuy nhiên, việc kiếm tiền từ những nền tảng game blockchain này tưởng dễ nhưng lại không dễ 'ăn'. Người chơi cũng cần nắm rõ các giao dịch về game, từ việc tạo ví, kết nối tài khoản, "cày" token cho đến bán chúng ra sao.
Anh V.C giải thích khi lần đầu tham gia game Simba Empire, anh từng gặp rắc rối với số tiền hơn 500 USD do chuyển sai định dạng địa chỉ ví và bị 'giam' tiền, phải mất cả tháng mới lấy được.
Qua đó, vấn nạn lừa đảo trên các nền tảng game blockchain cũng khiến nhiều người "ôm hận", nhất là các game nhận được sự chú ý lớn. Một người chơi Axie Infinity tại TP HCM cho biết đã bị lừa mất toàn bộ "thú cưng" trong tài khoản trị giá hơn 2.000 USD chỉ vì click vào một liên kết "lạ". Tình trạng lừa đảo bằng cách tạo website giả ví tiền điện tử Ronin của game Axie Infinity, dụ người dùng tạo ví và chiếm số tiền điện tử nạp vào cũng xuất hiện ngày một nhiều trong thời gian gần đây.
Ngay sau khi nắm bắt được thông tin, Cryptosec đưa tin, song song với sự tăng trưởng người dùng, số nạn nhân của các chiêu lừa liên quan đến game NFT cũng gia tăng. Các chuyên gia nhận định, với tiền điện tử và NFT, nếu đã bị đánh cắp, khả năng lấy lại gần như bằng không.
Cryptosec khuyến cáo người chơi chỉ nên sử dụng các kênh chính thức của game, không đăng nhập hoặc tải ứng dụng từ các nguồn trôi nổi trên mạng. Ngoài ra, cũng không nên chơi trên các hệ điều hành "bẻ khóa" hoặc dùng chung với thiết bị cài phần mềm lậu. Người dùng cần tránh chia sẻ bản sao ví cho người khác, đồng thời có thể sử dụng "ví lạnh" (thiết bị phần cứng giống USB) để lưu trữ tiền điện tử.
Trả lời báo chí, đại diện Axie Infinity cũng thừa nhận lừa đảo trong game là vấn đề nan giải. Aleksander Leonard Larsen, đồng sáng lập Sky Mavis, cho biết họ đã cấm "vài nghìn tài khoản" vi phạm các điều khoản của trò chơi thời gian qua, bao gồm cả hành vi tạo bot để gian lận, hoặc có "bằng chứng rõ ràng về hành vi lừa đảo".
Một số chuyên gia cho rằng người chơi các loại game blockchain có thể khó thu hồi vốn, nhất là khi các vật phẩm trong game phụ thuộc vào biến động giá của những tiền số khác như Bitcoin, ETH... Ngoài ra, tiền điện tử và các giao dịch về loại tiền này hiện chưa được bảo hộ, do đó người chơi có thể mất tiền nếu xảy ra tranh chấp hoặc lừa đảo.
Trước thực trạng nhiều người kiếm được thu nhập khi đầu tư vào những tựa game blockchain, vừa qua, Thứ trưởng Tài chính Philippines Antonette Tionko tuyên bố, bất kỳ ai kiếm tiền từ Axie Infinity cũng phải báo cáo thu nhập và nộp thuế.
Hàng nghìn người Philippines đang tham gia game này. Họ chưa thể kiếm tiền trực tiếp từ NFT thu được trong game, nhưng các giao dịch thú ảo đã ghi nhận giá trị từ hàng chục đến hàng trăm USD.
Thứ trưởng Tionko cho biết, các giao dịch này sẽ đều bị tính thuế, dù NFT được trả bằng tiền hoặc hiện vật, đồng thời tiền điện tử thu được trong game cũng phải chịu thuế. Chính phủ Philippines chưa đề ra cơ chế xác định giá trị và quy trình thu thuế từ tài sản kỹ thuật số.
Giới chức Philippines cho biết, chưa có biện pháp đánh thuế nhà phát triển Sky Mavis, do đây là doanh nghiệp nước ngoài không có trụ sở và đăng ký kinh doanh tại Philippines.