0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ ba, 04/10/2022 11:36 (GMT+7)

Ứng dụng công nghệ thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Đông Nam Á

Nhằm điều phối thông tin, cung cấp kiến thức mới, tạo tương tác cho các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng trong khu vực Đông Nam Á, nền tảng thông tin dùng chung có tên gọi SIPET đã ra mắt.

Thách thức trong chuyển dịch năng lượng ở Đông Nam Á

Đông Nam Á là khu vực quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm đối phó với biến đổi khí hậu và các mục tiêu trong thỏa thuận Paris. Theo đánh giá của chuyên gia, nhu cầu năng lượng dự kiến sẽ tăng lên đến 80% vào năm 2050. Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam là các quốc gia chiếm gần 3/4 tổng sản lượng điện ở Đông Nam Á. Vì vậy, khả năng đáp ứng các mục tiêu phát triển của khu vực phụ thuộc rất lớn vào sự lựa chọn nguồn năng lượng trong hiện tại và tương lai của các quốc gia.

Tuy nhiên, trong khảo sát những thách thức phổ biến của các bên liên quan trong quá trình chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á đã chỉ ra các yếu tố rào cản như thiếu hệ thống tổ chức; thiếu những nền tảng để chia sẻ thông tin và kiến thức kịp thời; dành quá nhiều thời gian cho các buổi gặp mặt hợp tác và trùng lặp công việc vì các bên liên quan không nắm bắt được công việc của bên đối tác.

Hiện nay các nước Đông Nam Á luôn nỗ lực thực hiện để đạt phát thải ròng bằng 0 và đạt được mục tiêu nhiệt độ không vượt ngưỡng 1,5 độ C cho tới năm 2030, tuy nhiên, những chiến lược của các nước để đạt được mục tiêu đó vẫn vướng phải những hạn chế nhất định.

Ứng dụng công nghệ thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Đông Nam Á - Ảnh 1
Vào năm 2050, nhu cầu năng lượng dự kiến sẽ tăng lên đến 80% tại khu vực Đông Nam Á.

Theo báo cáo của Bain & Company và Temasek dựa trên những số liệu đầu vào từ Microsoft, các nước Đông Nam Á cần phải cắt giảm lượng carbon dioxide ít nhất 45% cho tới năm 2030. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Đông Nam Á vẫn đang ở mức phát thải 3 triệu tấn carbon dioxide từ khoảng 647 triệu xe ô tô trên đường mỗi năm. Điều đó khiến cho việc thực hiện mục tiêu cho tới năm 2030 vẫn đang bị bỏ xa.

Thêm vào đó, chiến lược đầu tư để giảm phát thải khí carbon của một số nước chưa đạt được hiệu quả. Hiện nay, mức đầu tư đang ít hơn 20 triệu USD so với tiêu chuẩn là tương đương từ 1 đến 3 nghìn tỷ USD để thực hiện giảm phát thải khí carbon. Báo cáo của Bain & Company và Temasek cho rằng mức đầu tư cần phải được nâng lên gấp 15-20 lần cho tới năm 2030.

Mặc dù là điểm nóng chuyển đổi năng lượng, Đông Nam Á vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức mang tính cố hữu, cụ thể như thông tin manh mún, thiếu hệ thống chung chia sẻ kiến thức, công nghệ, cũng như kết nối và mở rộng cơ hội hợp tác giữa các đối tác quan tâm tới lĩnh vực này.

Nền tảng thông tin ứng dụng

Các chính sách tái tạo năng lượng hiện nay đang được các nước trong khu vực Đông Nam Á áp dụng. Đặc biệt là nguồn năng lượng gió và năng lượng mặt trời đang được các nước triển khai rộng rãi nhằm thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch như: than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên,... 60% nguồn năng lượng mặt trời tại Đông Nam Á đang được sử dụng để làm điện, hầu hết tập trung ở các nước khu vực sông Mekong như: Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Campuchia.

Trong đó, Việt Nam hiện đang là nước có tiềm năng hàng đầu Đông Nam Á về tái tạo năng lượng, chủ yếu là năng lượng mặt trời đã phát triển lên đến hơn 50%, xếp sau là Thái Lan với 25%. Cuối năm 2020, nguồn điện mặt trời ở Việt Nam là 16.000 MW, trong khi ở Thái Lan là 3.000 MW. Năng lượng gió tuy ít được sử dụng hơn so với năng lượng mặt trời, nhưng được coi là có tiềm năng tại Việt Nam, Thái Lan và Phillipines.

Nhằm điều phối thông tin, cung cấp kiến thức mới, tạo tương tác cho các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng trong khu vực Đông Nam Á, mới đây chương trình Năng lượng sạch, Giá phải chăng và An toàn cho Đông Nam Á (CASE) đã ra mắt nền tảng thông tin dùng chung có tên gọi SIPET (địa chỉ: https://www.sipet.org/).

Theo đó, nền tảng SIPET được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đối thoại và thúc đẩy sự hợp tác trong ngành năng lượng của khu vực, hỗ trợ đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng tại các quốc gia Đông Nam Á. SIPET sẽ giải quyết những thách thức này thông qua bốn tính năng chính, bằng cách cung cấp các thông tin về tập hợp Tài nguyên về ngành năng lượng, cơ sở dữ liệu dự án và công cụ lập bản đồ, trung tâm chia sẻ kiến thức và diễn đàn cộng đồng dành cho các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng. Nền tảng SIPET sẽ tiếp tục được cập nhật các tính năng mới để trở thành công cụ hữu hiệu cung cấp thông tin.

Tính năng Power Sector Resources (tập hợp tài nguyên về ngành năng lượng) của SIPET bao gồm công cụ tiến độ chuyển đổi năng lượng; một chuyên mục về thông tin chuyên sâu về ngành điện (2 phần này đều do CASE phát triển) và bộ theo dõi nhà máy điện (do Global Energy Monitor phát triển).

Công cụ Project Mapping Tool (lập bản đồ dự án), được phát triển bởi CASE và Tổ chức Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á (ETP), có chức năng thống kê các bên liên quan chính tham gia vào các dự án chuyển đổi năng lượng trong khu vực nhằm giúp các nhà tài trợ và đối tác phát triển trong quá trình chuyển đổi năng lượng nhận biết và xây dựng cơ hội hợp tác, từ đó tạo ra hiệp lực và tác động lớn hơn.

SIPET Knowledge Hub (Trung tâm tri thức SIPET) là một cổng thông tin chia sẻ tin tức, kết quả nghiên cứu, các ấn phẩm mới nhất và sự kiện sắp diễn ra. Cổng thông tin này sẽ giúp những người hoạt động trong lĩnh vực này dễ dàng chia sẻ thông tin và tin tức liên quan, tạo điều kiện để tăng cường những cuộc đối thoại và hợp tác giữa các ngành năng lượng trong khu vực Đông Nam Á.

SIPET Community Forum (Diễn đàn Cộng đồng SIPET) sẽ cung cấp một nền tảng kết nối các nhà tài trợ và đối tác phát triển để giúp việc chia sẻ thông tin và hợp tác diễn ra một cách tự nhiên và hợp lý.

Có thể thấy, Đông Nam Á là khu vực trọng yếu trong nỗ lực toàn cầu nhằm thúc đẩy hành động chống lại ảnh hưởng biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris. Trong bối cảnh này, SIPET kêu gọi các bên liên quan hiện đang làm việc trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á tham gia nền tảng này với tư cách là thành viên hăng hái, và là người đóng góp nội dung tích cực hướng tới việc tạo ra một hệ sinh thái thông tin phụ trợ cho cộng đồng chuyển đổi năng lượng chuyên nghiệp và đặt ra các mục tiêu cao hơn cho lĩnh vực chuyển đổi năng lượng trong khu vực.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Ứng dụng công nghệ thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Đông Nam Á. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới