Từ tháng 7/2020, các nhà mạng Việt bắt đầu truy quét các cuộc gọi rác
Theo thông báo mới nhất, từ 1/7/2020, các nhà mạng tại Việt Nam sẽ đồng loạt triển khai hoạt động xác định các nguồn phát tán cuộc gọi rác.
Căn cứ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cuộc gọi rác được hiểu là cuộc gọi từ số điện thoại di động, cố định trong nước và quốc tế với nội dung quảng cáo, rao bán sản phẩm, dịch vụ mà người nhận không mong muốn.
Cuộc gọi rác cũng dùng để chỉ các cuộc gọi có nội dung, mục đích lừa đảo, quấy rối, vi phạm các nội dung bị cấm theo quy định của pháp luật.
Cuộc gọi rác tập trung nhiều nhất vào các dịch vụ như rao bán nhà đất, căn hộ, condotel, mời mua bảo hiểm, các dịch vụ tài chính, học tiếng Anh… Đặc biệt, đã xuất hiện hình thức gọi quảng cáo tự động được ghi âm sẵn (Robocall).
Theo thống kê sơ bộ của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), chỉ tính riêng trong tháng 3/2020, hệ thống phát hiện cuộc gọi rác đã tìm ra khoảng 49 triệu liên lạc được xếp vào dạng nghi ngờ là cuộc gọi rác. Các cuộc gọi này phát sinh từ hơn 26.700 số điện thoại, gây ảnh hưởng đến khoảng 18 triệu khách hàng.
Các cuộc gọi này đang ngày càng có xu hướng gia tăng và thực sự đã gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống sinh hoạt thường nhật của người dùng tại Việt Nam. Không chỉ vậy, việc bành trướng quá nhanh của các cuộc gọi rác cũng khiến việc kiếm soát của các nhà mạng trở nên khó khăn, do đó, các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp có liên quan đã cùng chung tay để tìm cách để giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Hoạt động 'dẹp loạn' cuộc gọi rác được Cục Viễn thông thực hiện đó là ra văn bản gửi các nhà mạng về việc thực hiện ngăn chặn cuộc gọi rác. Trong văn bản này, Cục đã thống nhất với các nhà mạng về cách hiểu thế nào là cuộc gọi rác. Bên cạnh đó, Cục đã chỉ rõ trách nhiệm của nhà mạng đối với việc ngăn chặn hành vi phát tán cuộc gọi rác, bảo vệ người tiêu dùng.
Trong trường hợp không thực hiện ngăn chặn cuộc gọi rác, nhà mạng có thể bị xem xét xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 66 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trước đó, trong cuộc họp ngày 12/6/2020, các nhà mạng đã nhất trí sẽ ngăn chặn cuộc gọi rác bằng cách triển khai các biện pháp kỹ thuật. Việc chặn lọc cuộc gọi rác sẽ căn cứ theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, các nhà mạng sẽ áp dụng thuật toán dự đoán trên hạ tầng dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ học máy đối với tất cả các cuộc gọi nội và ngoại mạng.
Từ dữ liệu về hành vi, đặc điểm cuộc gọi (không bao gồm các thông tin riêng tư) và ý kiến phản hồi của người dùng, nhà mạng sẽ xác định đâu là hành vi phát tán cuộc gọi rác.
Cụ thể, Viettel sẽ bắt đầu triển khai các biện pháp kỹ thuật để chặn cuộc gọi rác kể từ ngày 1/7/2020. Với VinaPhone và MobiFone, 2 nhà mạng này sẽ bắt đầu chặn cuộc gọi rác trước thời điểm ngày 1/8.
Với các nhà mạng còn lại như Vietnamobile, Gtel, Đông Dương Telecom, Hà Nội Telecom,... việc chặn cuộc gọi rác sẽ được triển khai trước ngày 1/10/2020.
Việc chặn lọc cuộc gọi rác sẽ dựa trên 5 tiêu chí, bao gồm: số lượng cuộc gọi bất thường, tần suất cuộc gọi, khoảng cách giữa các cuộc gọi, độ dài cuộc gọi và phản hồi của người dùng di động đối với cuộc gọi nghi ngờ là cuộc gọi rác.
Trong trường hợp bị xác định là cuộc gọi rác, thuê bao thực hiện hành vi phát tán cuộc gọi sẽ bị xử lý bằng cách khóa chiều gọi đi đối với thuê bao nội mạng và khóa chiều gọi đến đối với thuê bao liên mạng.
Cục Viễn thông sẽ công bố định kỳ kết quả ngăn chặn cuộc gọi rác của các nhà mạng. Đây sẽ là thông tin tham khảo để người dân có thể đánh giá hiệu quả ngăn chặn cuộc gọi rác của từng doanh nghiệp, từ đó đưa ra sự lựa chọn nhà mạng cho mình.
Ngoài ra, để ngăn chặn tình trạng này hiệu quả, Cục Viễn thông khuyến cáo người dùng khi nhận được các cuộc gọi nghi ngờ là cuộc gọi rác sẽ gửi báo cáo vi phạm tới nhà mạng. Đây là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng để nhà mạng xác định chính xác 1 thuê bao có phải là nguồn phát tán cuộc gọi rác hay không. Việc cung cấp thông tin trên cũng sẽ giúp hệ thống chặn lọc tự động của nhà mạng hoạt động ngày càng chuẩn xác.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo