0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ hai, 19/09/2022 09:13 (GMT+7)

TP.HCM: Lên phương án dự tính mức đền bù cho dự án đường Vành đai 3 – TP.HCM

Tại TP. HCM, dự án đường Vành đai 3 – TP.HCM có 2.377 hộ dân bị ảnh hưởng; tái định cư khoảng 752 trường hợp, theo dự tính tổng mức bồi thường, tái định cư khoảng 25.610 tỷ đồng.

Tạm tính mức giá đền bù

Tại Chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời với chủ đề “Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố” do HĐND TP. HCM tổ chức mới đây, rất nhiều người dân quan tâm đã gửi câu hỏi đến các cử tri về vấn đề công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng tại dự án Vành đai 3 – TP. HCM.

Trả lời cử tri, ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, cho biết người dân ở 4 địa bàn có đường Vành đai 3 đi qua đã đồng thuận để chính quyền xác lập hồ sơ trước đạt trên 65%, riêng Hóc Môn đã đạt hơn 95%.

Theo lộ trình, để dự án khởi công vào tháng 6/2023, cuối tháng 9 đầu tháng 10/2022, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM sẽ giao ranh cắm mốc tại thực địa cho 4 địa bàn trên để xác định chính xác tọa độ. Tháng 11/2022, báo cáo khả thi dự án sẽ được phê duyệt. Đó là 2 mốc thời gian quan trọng nhất để chính thức triển khai dự án bồi thường.

TP.HCM: Lên phương án dự tính mức đền bù cho dự án đường Vành đai 3 – TP.HCM - Ảnh 1
Sơ đồ đường Vành đai 3 - TP. HCM

Hiện đã có những thông tin giá đất, thời hạn bàn giao ranh mốc, thời gian thực hiện bồi thường tái định cư đối với các loại đất, thời gian bàn giao toàn bộ mặt bằng để thi công dự án.

Trước tiên, thông báo thu hồi đất, bắt đầu từ ngày 01/12/2022. Từ khi thông báo đến khi có quyết định thu hồi đất là 90 ngày. Thông báo thu hồi đất gồm 2 loại đất: đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp (gồm đất ở). Trong đó, hơn 90% là đất nông nghiệp.

Cụ thể, đối với đất nông nghiệp, đến tháng 4/2023, thành phố sẽ chi trả toàn bộ số tiền bồi thường đất nông nghiệp. Tháng 5/2023, sẽ bàn giao toàn bộ đất nông nghiệp cho nhà đầu tư (khoảng 300ha).

Còn với đất ở, sẽ chi trả vào tháng 7/2023 và bố trí tái định cư, thu hồi mặt bằng từ tháng 8/2023, đảm bảo bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trước tháng 12/2023 (hơn 400ha), để triển khai xây lắp vào đầu năm 2024.

Ông Võ Trung Trực cho biết, về đơn giá bồi thường tạm tính cho dự án Vành đai 3 - TP.HCM thì đất nông nghiệp trồng cây lâu năm từ 3,8-8,2 triệu đồng/m2, đất nông nghiệp trồng cây hằng năm từ 3,2-6 triệu đồng/m2, đất ở qua khảo sát là từ 18,7 triệu đồng đến hơn 40 triệu đồng/m2 tùy vị trí.

“Đây chỉ là mức giá tạm tính để các địa phương lập phương án bồi thường tái định cư, lấy ý kiến người dân bị thu hồi đất. Còn thực tế sẽ tham khảo giá chuyển nhượng trên thị trường để tham mưu giá cụ thể chi trả cho bà con. Các địa phương hiện đang thuê đơn vị tư vấn để xác định giá bồi thường cụ thể trình UBND thành phố xem xét” – ông Võ Trung Trực cho biết thêm.

Hỗ trợ tái định cư sẽ bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ

Trong 4 địa phương có đường Vành đai 3 đi qua trên địa bàn TP. HCM, TP. Thủ Đức và huyện Bình Chánh đã đảm bảo đủ quỹ nhà tái định cư tại địa phương. Riêng huyện Hóc Môn cần thêm hơn 60 nền tái định cư, Củ Chi cần hơn 65 nền. Lãnh đạo hai huyện này cũng đang phối hợp với các sở, ngành làm thủ tục để được bố trí tái định cư tại chỗ (tái định cư tại cùng huyện).

Theo Chủ tịch UBND TP. HCM ông Phan Văn Mãi, đối với dự án đường Vành đai 3, UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương tiến hành điều tra xã hội học, hỏi ý kiến người dân để hiểu được đặc điểm sinh kế của người dân để xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư phù hợp. Quan điểm của thành phố là bảo đảm được nguyên tắc là nơi ở mới của người dân sẽ bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Quỹ nhà, đất phải đồng bộ hạ tầng, phù hợp với nguyện vọng của người dân gắn với sinh kế, với học hành và các hỗ trợ khác để người dân yên tâm sinh sống.

“Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ tạo ra một kiểu mẫu trong công tác này để áp dụng cho các dự án khác trong thời gian tới” – ông Phan Văn Mãi cho biết.

Qua thực tiễn trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Chủ tịch HĐND TP. HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng, thành phố cũng cần nhìn nhận thẳng thắn, trong một số trường hợp, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất ở một số nơi thực hiện còn chậm, còn chưa thể đảm bảo hoàn toàn theo nguyện vọng của người dân, phần nào làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người dân có đất bị thu hồi; vẫn còn tồn tại những vụ việc chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm, kéo dài nhiều năm.

“Chính quyền thành phố đã nỗ lực hết sức để triển khai thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tháo gỡ những vướng mắc, bất cập nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong thực thi, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; đảm bảo, tạo điều kiện tốt hơn cho người có đất bị thu hồi sớm ổn định cuộc sống và sản xuất”, bà Lệ cho biết.

Quốc hội vừa qua ban hành Nghị quyết 57 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 3 - TPHCM, giúp TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thêm một bước hoàn thiện hệ thống giao thông. Theo đó, dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km, gồm đoạn qua TP.HCM 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km và Long An 6,81 km.

Đường Vành đai 3 có điểm đầu tại điểm giao với cao tốc Bến Lức- Long Thành thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối tại nút giao với cao tốc Bến Lức-Long Thành thuộc địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tổng mức đầu tư của dự án 75.378 tỷ đồng, gồm 50% vốn trung ương và 50% vốn địa phương.

Theo kế hoạch, dự án khởi công xây dựng từ tháng 6/2023 và hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2026.

Thanh Vũ

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Lên phương án dự tính mức đền bù cho dự án đường Vành đai 3 – TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới