TP.HCM: Chi 9.300 tỉ đồng 'giải cứu' kênh Xuyên Tâm sau 20 năm chờ đợi
Khởi động cách đây 20 năm nhưng hiện dự án cải tạo kênh Xuyên Tâm, dài 6,2 km, chưa triển khai khiến con kênh ngày càng ô nhiễm, hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng.
Chờ đợi gần 2 thập kỷ
Kể từ ngày TP.HCM lên kế hoạch cải tạo kênh Xuyên Tâm, đến nay đã gần 20 năm trôi qua dự án vẫn ‘treo’ trong khi người dân sống ven kênh mòn mỏi chờ đợi, sống chung với dòng kênh ô nhiễm nặng nề theo thời gian. Con kênh được TP.HCM lên kế hoạch cải tạo từ những năm 1998 với mục tiêu tạo cảnh quan đô thị thành phố xanh, sạch.
Đến năm 2002, UBND TP.HCM phê duyệt dự án nạo vét, cải tạo môi trường và xây dựng cơ sở hạ tầng ven kênh Xuyên Tâm dài hơn 6.2 km.
Năm 2010, thành phố tái khởi động dự án bằng hình thức kêu gọi xã hội hóa. Cùng lúc này, Công ty Cổ phần Hà Nội Ngàn Năm đề xuất nghiên cứu dự án. Thế nhưng, dự án sau đó vẫn im lìm trên giấy.
Năm 2012, vấn đề ngập nước lan rộng ở thành phố với con đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) dần trở thành "rốn ngập", đòi hỏi hướng giải quyết ngay lập tức để khai thông dòng chảy ở kênh Nhiêu.
Đã gần 20 năm trôi qua dự án vẫn ‘treo’ trong khi người dân sống ven kênh mòn mỏi chờ đợi, sống chung với dòng kênh ô nhiễm nặng nề. |
Năm 2016, UBND TP phê duyệt đề xuất triển khai dự án rạch Xuyên Tâm theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.100 tỉ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng gần 1.100 tỉ đồng. Đối với bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB), Công ty Hà Nội Ngàn Năm sẽ tự tổ chức xây dựng nhà tái định cư tại chỗ. Đổi lại, TP thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất dọc hai bên tuyến rạch để bố trí tái định cư và thực hiện dự án khác.
Tháng 8 năm đó, TP.HCM một lần nữa thể hiện quyết tâm rất lớn trong công cuộc chỉnh trang đô thị. Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM khi ấy đội mũ tai bèo, lội sình đi thị sát rạch Xuyên Tâm, tận tai lắng nghe nguyện vọng người dân.
Trong cuộc làm việc với UBND quận Bình Thạnh chiều cùng ngày, nguyên lãnh đạo Thành ủy giao chính quyền quận gấp rút thực hiện công tác BTGPMB trước năm 2018. Khi đó, dự án BTGPMB có quy mô ảnh hưởng 1.620 căn với chi phí bồi thường 1.098,5 tỉ đồng, được quận Bình Thạnh thực hiện từ nguồn vốn ngân sách, sử dụng quỹ nhà tái định cư hiện có.
Theo chỉ thị của vị nguyên Bí thư, quận Bình Thạnh ráo riết triển khai đo đạc, lắng nghe ý kiến người dân. Mọi thứ được tiến hành như vũ bão. Bà Thanh, bà Tâm, ông Đức cũng như nhiều người dân tiếp tục đặt hy vọng vào dự án.
Một năm sau, UBND quận Bình Thạnh bất ngờ thông báo ranh dự án theo đề xuất của Công ty Hà Nội Ngàn Năm không trùng với ranh dự án được xác định theo đồ án quy hoạch 1/2.000 của quận. Sau khi tính toán lại, quận thấy rằng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án rạch Xuyên Tâm lên tới 3.751 tỉ đồng, nâng tổng mức đầu tư dự án từ 123,5 tỉ lên 8.658 tỉ đồng.
Bất chấp quyết tâm của cả hệ thống chính trị TP, dự án một lần nữa phải trễ hẹn với người dân để giải bài toán ngân sách.
Tháng 6/2019, UBND TP đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư của dự án. Đến tháng 8/2019, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo thống nhất chủ trương đầu tư dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất rạch Xuyên Tâm từ ngân sách TP.
Chi 9.300 tỉ đồng 'giải cứu'
Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM và Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM đã hoàn tất thủ tục để trình HĐND TP.HCM phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven kênh Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, Gò Vấp) dài 8,2km. Tuyến rạch chính từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật dài 6,42km và 3 tuyến rạch nhánh dài 1,78km nằm trong dự án.
Mục tiêu dự án là cải tạo thoát nước, môi trường rạch Xuyên Tâm kết hợp xây dựng đường giao thông mới dọc hai bên rạch nhằm cải thiện tình hình giao thông và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ dọc tuyến, thu gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung của TP.HCM.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, quy mô xây dựng gồm cải tạo, kè bảo vệ bờ; xây dựng tuyến đường giao thông từ 4 đến 6 làn đường ở hai bên rạch và trên cống bêtông. Xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải của TP.HCM.
Tổng mức đầu tư dự án là 9.352 tỉ đồng. Trong đó phần bồi thường quận Bình Thạnh là 4.859 tỉ đồng và phần bồi thường quận Gò Vấp là 468,9 tỉ đồng, vốn xây lắp là 4.492 tỉ đồng. Con số này tăng gần 75 lần so với tổng mức đầu tư dự án ban đầu 123 tỉ đồng hồi những năm 2002.
Bài học từ Thái Lan KTS Trần Vĩnh Nam cho biết việc phát triển kinh tế bằng kênh, rạch hiện được nhiều nước quan tâm và đầu tư. Tại thủ đô Bangkok (Thái Lan), qua nhiều năm giải tỏa, đến nay kênh, rạch đang trở thành nguồn tài nguyên quý giá thúc đẩy sự phát triển mọi mặt. Sự hồi sinh của dòng kênh vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm vừa giúp giảm bớt áp lực hạ tầng giao thông. Gần 20% người dân ở thủ đô Bangkok đi làm bằng hệ thống buýt đường sông (tổng lượt hành khách 30.000 lượt/ngày). Số tiền sử dụng phương tiện này rẻ, chỉ bằng một nửa so với tàu điện trên cao và tàu điện ngầm, thời gian di chuyển nhanh gấp 5 lần so với sử dụng ôtô. Đặc thù kênh, rạch tại đây có nét giống TP.HCM. Vì vậy, dù khó cách mấy cũng phải chỉnh trang đô thị một cách bài bản để hồi sinh được đô thị "trên bến, dưới thuyền". |
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường