Cấp thiết 'giải cứu' nước hồ Tây
Thời gian gần đây, nước hồ Tây (Hà Nội) bất ngờ chuyển màu xanh rêu đậm, bốc mùi tanh tưởi, hôi thối khiến nhiều người dân lo lắng.
Ô nhiễm, nhiều thông số vượt ngưỡng cho phép
Trước hiện tượng nước hồ Tây chuyển màu đậm, bốc mùi tanh tưởi, mới đây, Bộ TN&MT cho biết đã tổ chức kiểm tra, xác minh. Theo kết quả kiểm tra cho thấy, chất lượng môi trường nước tại hồ Tây đang có dấu hiệu bị ô nhiễm. Nhiều thông số môi trường trong nước hồ vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT, sinh khối và mật độ tế bào thực vật cao (tập trung chủ yếu là các chi dạng tập đoàn vi khuẩn lam Microcystis, Alphanocapsa, Merismopedia và các tập đoàn tảo lục Scenedesmus, Crucigena,…).
Để đảm bảo chất lượng môi trường nước hồ Tây phù hợp với yêu cầu phát triển về kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử và môi trường, Bộ TN&MT đã có văn bản số 1464/BTNMT-TCMT gửi UBND TP.Hà Nội đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng của TP khẩn trương triển khai một số biện pháp cải thiện chất lượng môi trường nước hồ.
Rác thải trôi dạt trên mặt hồ. |
Bộ TN&MT đề nghị thực hiện ngay các biện pháp cải thiện chất lượng môi trường nước tại hồ Tây, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT, duy trì sự cân bằng hệ sinh thái trong hồ.
Bên cạnh các thông số môi trường đã được quan trắc thông qua hệ thống quan trắc tự động, liên tục, TP.Hà Nội cần tăng cường quan trắc định kỳ, quan trắc đột xuất (khi có hiện tượng bất thường), đặc biệt là tại các vị trí có khả năng xâm nhập của nước thải từ các khu vực hoạt động xung quanh hồ (trong những ngày có mưa lớn); thường xuyên theo dõi, thu thập, tổng hợp, đánh giá số liệu, tập trung đối với một số thông số như: pH, nhiệt độ, DO, COD, TSS, TDS, Amonia, tổng N, tổng P, mật độ tảo và theo dõi phát hiện sự bất thường… để có biện pháp xử lý kịp thời.
Tổ chức kiểm tra, rà soát các nguồn nước thải có nguy cơ xâm nhập vào hồ, bao gồm nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nước thải sinh hoạt từ các tuyến thu gom có khả năng chảy tràn vào hồ, trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cần phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Bộ TN&MT cũng đề nghị TP.Hà Nội nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chủ động bổ sung nguồn nước trong trường hợp thời tiết khô hạn kéo dài, đảm bảo mực nước tối thiểu nhằm duy trì ổn định hệ sinh thái hồ; thường xuyên duy trì việc vớt rác thải trên hồ kịp thời đảm bảo vệ sinh môi trường; xem xét, nạo vét trầm tích để nâng cao khả năng lưu trữ nước và làm sạch của hồ.
Cần có giải pháp bền vững
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa học, Trường Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, vấn đề làm sạch nước hồ Tây là vấn đề rất lớn.
"Nguyên nhân về nước thải từ các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, nước thải sinh hoạt từ các tuyến thu gom có khả năng chảy tràn vào hồ là nguyên nhân muôn thuở. Bên cạnh đó còn một nguyên nhân nữa cần nói tới đó là sự thay đổi về thời tiết. Môi trường nước bao giờ cũng liên quan đến thời tiết, không khi, độ ẩm, mưa nắng.
Đợt vừa rồi có hôm trời nắng đột ngột lên cũng là điều kiện góp phần làm cho nước hồ thay đổi, rêu, tảo phát triển, nổi lên trên mặt hồ nhiều hơn", PGS.TS Trần Hồng Côn nói.
Theo ông Côn, để đưa ra giải pháp giữ cân bằng chất lượng nước hồ một cách lâu dài, mang tính thuyết phục thì cần hệ thống quan trắc theo dõi các chỉ số, thông số nước hồ thường xuyên. Để từ đó có thể đánh giá chính xác nguyên nhân dẫn đến nước hồ chuyển màu.
"Rất cần một cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm chính về nghiên cứu, theo dõi sát sao về tình trạng nước hồ. Nguyên nhân khiến nước hồ Tây chuyển màu không phải khó tìm nhưng cái chính là cần tìm ra giải pháp giữ cho hệ sinh thái nước hồ Tây cân bằng, có tính bền vững.
Còn nếu cứ để xảy ra ô nhiễm, rong rêu nổi nhiều mới đi tìm nguyên nhân rồi giải pháp đưa ra cũng không có tính bền vững mà lại rất tốn kém, mất nhiều thời gian", ông Côn cho biết thêm.
Cũng theo ông Côn, hồ Tây là dòng nước tĩnh, sông Tô Lịch là dòng nước chảy. Dòng nước tĩnh có nhiều tảo hơn vậy nên khi nhập nước tĩnh với nước chảy, ở đoạn đầu sẽ phối trộn không đều nên dễ dàng nhìn thấy sự thay đổi màu nước chuyển sang màu xanh do có tảo.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Kính - nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT cho biết, cần đưa ra giải pháp cải thiện sự ô nhiễm của nước hồ Tây thật cụ thể.
“Phải xem nguyên nhân là do con người hay do thiên nhiên. Nếu chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm trước mắt, hồ Tây sớm muộn cũng giống dòng sông Tô Lịch. Tìm ra nguyên nhân cụ thể để đưa ra giải pháp lâu dài. Cứ xử lý trước mắt mà không tìm ra được thủ phạm thì không giải quyết triệt để được” - ông Kính nhấn mạnh.
Trước đó, tháng 10/2016, hàng chục tấn cá chết đã nổi trắng mặt hồ Tây. Không lâu sau đó, tháng 7/2018, cá ở hồ Tây lại chết nổi trắng mặt hồ. Nhiều nguyên nhân khiến cá chết được đưa ra như nắng nóng, tảo nở hoa… Tuy nhiên, theo nhiều người dân sống ven hồ Tây, hiện tượng cá chết vẫn thường xuyên xảy ra nhưng số lượng không nhiều.
Hồ Tây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất, nằm ở phía Tây Bắc Hà Nội. Hồ rộng hơn 500 ha với chu vi hơn 17 km, là một phần của sông Hồng cũ sau khi chuyển dòng. Theo giới chức quận Tây Hồ, hệ thuỷ sinh vật hồ Tây khá đa dạng về thành phần loài, với 72 loài thực vật nổi, 47 loài tảo bám đáy, 37 loài động vật nổi, 29 loài động vật đáy (thuộc nhóm tôm, cua, trai, ốc…), 12 loài giáp xác, 46 loài cá, trong đó có 15 loài thuộc nguồn gốc cá tự nhiên. |
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường