“Giải cứu” doanh nghiệp sau dịch COVID-19: Thủ tục hành chính còn chậm
Mặc dù các chính sách hỗ trợ đã có nhưng thủ tục hành chính còn chậm, chưa phát huy được tác dụng khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc tiếp cận vốn vay.
UBND TP.HCM vừa tổ chức buổi tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 hiện nay” nhằm lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và tiếp nhận những kiến nghị, giải pháp thúc đẩy kinh tế.
Tại buổi tọa đàm, đa số các đại biểu tham gia đều cho rằng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay đã có nhưng thủ tục còn chậm, khiến nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được gói vay vốn 0% để trả lương cho nhân viên.
Theo số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM, 9 tháng đầu năm 2020, kinh tế TP.HCM chịu tác động mạnh của dịch COVID-19, căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng trong khi giá dầu thô, giá vàng diễn biến bất thường. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 4,9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 2,3%. Đặc biệt, ngành lưu trú, ăn uống giảm mạnh 39,9% và hoạt động lữ hành du lịch sụt giảm tới 73,6% vì dịch bệnh.
Điều này khiến tổng thu ngân sách Nhà nước sau 9 tháng của TP.HCM giảm 14,6% so với cùng kỳ, chỉ đạt 60,5% dự toán (khoảng 245.360 tỷ đồng).
Ông Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết, TP.HCM chịu ảnh hưởng nặng vì ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng trên 62% của kinh tế thành phố. Trong khi đó, dịch vụ là ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất vì dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp dịch vụ trong nhiều tháng qua không có đơn hàng, dẫn đến đóng cửa hàng loạt.
Theo ông Ngân, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều gói giải pháp, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng hầu hết đều bị ảnh hưởng vì các thủ tục hành chính đang quá chậm.
“Nhà nước cần hình thành các quỹ bảo lãnh cho vay với lãi suất thấp, đặc biệt cần có thêm các quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ở gói hỗ trợ lần 1 cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, tỷ lệ thành công rất khiêm tốn. Từ đó, chúng ta đã rút ra nhiều bài học liên quan đến thủ tục hành chính để gói hỗ trợ thứ 2 phù hợp hơn, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi ảnh hưởng kép của dịch bệnh”, ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Chu Tiến Dũng cũng cho biết, 84% doanh nghiệp tại TP.HCM còn gặp khó khăn và khó khăn nghiêm trọng; hơn 70% các doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ; chỉ 10% doanh nghiệp tiếp cận được chính sách miễn, giảm lãi suất cho vay của ngân hàng. Đặc biệt, hiện vẫn chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được gói vay vốn 0% để trả lương cho người lao động.
“Các chính sách hỗ trợ chưa thật sự sát với thực tế của cộng đồng doanh nghiệp. Các thủ tục hỗ trợ vẫn còn chậm, chưa phát huy tác dụng. Để cứu doanh nghiệp trong giai đoạn này, các gói hỗ trợ cần phải đến tay doanh nghiệp một cách nhanh nhất để thật sự hiệu quả. Bên cạnh đó, phải xem xét điều chỉnh các điều kiện để các gói chính sách hỗ trợ được áp dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng ngành nghề, quy mô, loại hình sản xuất kinh doanh”, ông Dũng cho biết.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo