Tôm hùm lên giá, tăng gấp 3-4 lần sau dịch
Hiện nay, tôm hùm xanh có giá 850.000 đồng -1,1 triệu đồng/kg, còn tôm hùm bông giá 1,9-2,3 triệu đồng/kg, việc thương lái tăng thu mua khiến giá tôm tăng mạnh.
Ông Trương Văn Tới (ngụ TP Cam Ranh, Khánh Hòa) đã xuất gần 1,5 tấn tôm hùm cho thương lái. Ông Tới vui vẻ, trả lời với phóng viên: “Vậy là thoát cảnh tôm nuôi mãi không ai mua, giá thấp bán thì lỗ. Nay tôm lên giá, tiểu thương cũng gom hàng nhiều hơn”.
Trước đó, dịch COVID-19 ập đến khiến hàng trăm hộ nuôi tôm ở Cam Ranh lao đao. Dịch bệnh căng thẳng, cách ly xã hội khiến giá tôm xuống rất thấp mà không ai mua. Những nhà nuôi tôm chỉ còn cách cầm cự, tách lồng đối với loại tôm lớn để không bị chết. Rất nhiều người phải vay ngân hàng, ngoài xã hội để có tiền mua thức ăn duy trì lồng nuôi.
Trong hai tháng 9,10, giá tôm hùm xanh xuống mức 350.000-450.000 đồng/kg. Loại một cũng chỉ có giá 500.000 đồng/kg. Riêng với tôm bông, giá xuống dưới 1 triệu/kg, người nuôi bán thì lỗ, gia tăng nhiều kinh phí.
Bà Phan Thị Lành, hộ nuôi tôm cho biết: “Nuôi tôm một năm xuống nhiều vụ khác nhau, nhưng vẫn tập trung chủ yếu dịp hè và Tết cuối năm. Lúc này thị trường xuất khẩu cần hàng và khách du lịch cũng đến nhiều. Hai năm nay tôm không bán được, giá bấp bênh khiến nhiều người kiệt quệ”.
Sau dịch, thương lái tăng mua tôm hùm trở lại. Thị trường trong nước tiêu thụ mạnh khi giãn cách xã hội ở các địa phương đã gỡ bỏ, nhất là thị trường Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu tôm cũng bắt đầu phục hồi và bắt đầu nhập hàng trở lại.
Tôm hùm xanh đang có giá từ 850.000-1,1 triệu đồng/kg, còn tôm bông có giá 1,9-2,3 triệu đồng/kg.
Tuy nhiên, tôm có sẵn rất nhiều, đủ số lượng lớn mang đi xuất khẩu nhưng gặp trở ngại trong vấn đề thủ tục, tại thị trường Trung Quốc, đất nước "tỷ dân" này yêu cầu rất khắt khe về đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch bệnh.
Giám đốc Công ty TNHH T.V, ông Thành cho biết doanh nghiệp đang bị ách 3 container tôm hùm và tôm thẻ chân trắng ở cửa khẩu vì yêu cầu an toàn dịch bệnh của phía Trung Quốc.
Phía Trung Quốc hiện đang tăng cường kiểm soát dịch bệnh với mục tiêu “Zero Covid” nên các tài xế Việt Nam không được trực tiếp chở hàng qua biên giới.
Theo quy định, container chở hàng sau khi đã vào được khu vực cửa khẩu sẽ phải dừng ở bãi chờ. Sau đó các lái xe được cách ly tập trung, lúc này nhân viên cửa khẩu sẽ bố trí các tài xế lái chuyên trách nối chuyến qua cửa khẩu. Quy trình này làm khó doanh nghiệp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là đối với hàng thủy sản có giá trị như tôm hùm.