0915 15 67 76 [email protected]
Thứ năm, 17/03/2022 07:00 (GMT+7)

Toàn cảnh xăng dầu - Câu chuyện làm nóng nghị trường Quốc hội

Ngày 16/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có phần trả lời chất vấn liên quan đến các vấn đề về xăng dầu.

Ngày 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến đến 62 tỉnh, thành. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn liên quan đến các vấn đề về xăng dầu.

tm-img-alt
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV ngày 16/3. 

ĐẢM BẢO ĐỦ NGUỒN CUNG XĂNG DẦU, CÓ CÂY XĂNG CỐ TÌNH ‘GĂM HÀNG’

Đặt câu hỏi đầu tiên, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị có giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng nguồn cung xăng dầu thiếu hụt, khiến các doanh nghiệp bị lỗ, nhiều cửa hàng treo biển hết xăng chờ tăng giá.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, giá xăng dầu thế giới tăng đột biến vì đứt gãy nguồn cung tại một số nước có sản lượng lớn, tác động từ xung đột Nga - Ukraine... Thị trường xăng dầu thế giới tăng với biên độ 40-60%.

Nguồn cung trong nước gặp khó khăn do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, cung ứng 35% xăng dầu cả nước, giảm công suất. 3 tháng qua, nhà máy này chỉ sản xuất được tối đa 80% công suất.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương cũng đã chủ động tham mưu cho Chính phủ. Đồng thời chỉ đạo hệ thống phải nhập đủ sản lượng bù vào số lượng Nhà máy Nghi Sơn thiếu hụt. Đến thời điểm hiện tại, đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu cho hết tháng 3. Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu cao hơn mức bình thường để đảm bảo nguồn cung không lúc nào thiếu.

tm-img-alt
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. 

Về điều hành giá, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính để điều hành linh hoạt. Sử dụng hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Qua đó biên độ tăng giá xăng dầu Việt Nam (từ 29-40%) thấp hơn so với thế giới (tăng từ 40-60% tùy mặt hàng).

Tuy nhiên hiện nay, dư địa điều chỉnh của Quỹ Bình ổn giá không còn nhiều. Hai Bộ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, trình UBTVQH xem xét giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường. Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao, bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế, sử dụng các quỹ bảo đảm an sinh xã hội,…

Về hoạt động thanh kiểm tra, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết công tác kiểm tra ở các địa phương, với sự kết hợp của Tổng cục quản lý thị trường, Sở Công Thương đạt được nhiều kết quả. Đến thời điểm này, toàn thị trường có 17.000 cửa hàng bán lẻ, trong đó lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 16.800 cửa hàng.

Cơ quan quản lý đã xử lý các cửa hàng bán lẻ vi phạm, theo Bộ trưởng, chỉ chiếm rất ít với 211 cửa hàng. Có nhiều lý do cho việc nhiều cửa hàng dừng bán, có cửa hàng đóng cửa sửa chữa, có cửa hàng đã báo cáo việc dừng bán nhưng cũng có những cây xăng cố tính găm hàng, chờ nâng giá. Việc cửa hàng đóng cửa, treo biển không có nguồn cung là có thực, dù chỉ là số ít, do họ nhận xăng dầu từ Nghi Sơn nhưng việc giảm công suất khiến nguồn cung bị thiếu hụt.

GIẢM THUẾ BVMT LÀ GIẢI PHÁP GIẢM GIÁ CẤP BÁCH, SẼ NGHIÊN CỨU PHÙ HỢP VỀ LÂU DÀI

Phát biểu tại phiên chất vấn sáng 16/3, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, việc xem xét điều chỉnh giảm thuế trong thời điểm hiện nay là cần thiết để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng trước áp lực giá cả, tuy nhiên giảm sắc thuế nào cần tính toán lại.

Đại biểu Mai cho rằng giảm thuế môi trường có ba điểm bất hợp lý.

Thứ nhất, sẽ không phù hợp với bản chất thuế bảo vệ môi trường vì đây là thuế đánh vào mặt hàng gây ô nhiễm, mức thuế được xây dựng trên mức độ gây ô nhiễm.

Nếu giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu sẽ dẫn đến một nghịch lý đó là có những đối tượng có thể gây ô nhiễm cao thì thuế suất thấp nhưng những đối tượng gây ô nhiễm thấp có thể phải chịu thuế cao.

tm-img-alt

Thứ hai, đối với xăng dầu đã mua dự trữ bắt buộc theo quy định đã chịu mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành là 4.000 đồng nhưng khi bán ra sau thời điểm giảm thuế chắc chắn sẽ phải chịu lỗ và điều này chưa phù hợp với nguyên tắc điều hành giá cả, là phải đảm bảo lợi ích của các bên. Nếu lựa chọn một sắc thuế khác thì sẽ không phát sinh nghịch lý này.

Thứ ba, xét về kinh nghiệm quốc tế hiện nay đối với các quốc gia sử dụng công cụ thuế để điều tiết bình ổn giá cả thì đều lựa chọn các sắc thuế khác như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu…

"Việc dùng công cụ thuế để điều tiết giá cả trong một số trường hợp là cần thiết, tuy nhiên, lựa chọn sắc thuế nào, đề nghị Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính đưa ra giải pháp hợp lý", bà Mai nói.

Đồng tình với nhận định công cụ điều hành giá, nhất là giá xăng dầu thì phải dùng đến quỹ bình ổn, sau đó đến thuế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, chọn sắc thuế nào, ngành Công Thương cũng rất cân nhắc.

Qua bàn bạc trong liên ngành và báo cáo với Chính phủ, Bộ Công thương thấy rằng tình hình rất căng thẳng khi biến động giá thế giới như thế này mà xử lý tình huống nhanh nhất chỉ có thể là thuế môi trường. Ở đây thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

"Điều thứ hai nữa là thuế môi trường 4.000 đồng/lít, thú thực tôi cũng nghĩ rằng chưa phải có cơ sở thật khoa học để khẳng định rằng là phải là 4.000 đồng chứ không phải là 5.000 mà không phải là 3.000 hay 2.000 đồng. Trong lúc khó khăn chúng ta giải quyết như vậy để cấp bách giảm giá, để cứu được kinh tế, hỗ trợ được người dân. Còn trong tương lai, tôi đồng ý cần phải nghiên cứu cho phù hợp", ông Diên nói.

Ông Diên cũng cho biết, mô hình của chúng ta kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là những mặt hàng này phải có sự quản lý của nhà nước.

"Mọi động thái cấp bách phải vì người dân chứ không phải mang lại gì cho bộ này, bộ kia mà là giải quyết bài toán trước mắt, chứ chờ Quốc hội sửa luật và thông qua thì phải tháng 6 tháng 7, lúc đó đã hết quỹ bình ổn mà giá thế giới tăng hàng ngày hiện tại thì công tác điều hành vô cùng khó khăn", Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.

NHỮNG GIẢI PHÁP CỤ THỂ KÌM GIÁ XĂNG DẦU

Trong thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới và cung cầu xăng dầu trong nước có nhiều biến động phức tạp. Thủ tướng Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn thị trường xăng dầu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, Chính phủ đã có giải pháp đối với 3 lĩnh vực: Sản xuất, nhập khẩu và phân phối xăng dầu.

tm-img-alt
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. 

Về sản xuất, hiện nhà máy lọc dầu Dung Quất đã tăng sản lượng lên 105% và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng cam kết tăng công suất trở lại.

Về nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có văn bản giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Về điều hành giá xăng dầu, Phó Thủ tướng nêu rõ đảm bảo theo cơ chế thị trường nhưng có sự kiểm soát, không để mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng tới sản xuất, kinh tế vĩ mô.

Một số giải pháp mà Chính phủ đã thực hiện là sử dụng Quỹ bình ổn giá, báo cáo cấp có thẩm quyền để giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Phó Thủ tướng cũng cho biết đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Chính phủ yêu cầu tập đoàn sớm đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu tại Vũng Tàu. Bên cạnh đó, cần tăng sản lượng khai thác; chú trọng việc tìm kiếm, thăm dò thêm các mỏ dầu mới.

XEM XÉT TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN

Sản xuất, cung ứng, nhập khẩu xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu là một trong những vấn đề rất nóng ở phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Qua chất vấn cho thấy lỗ hổng không nhỏ trong an ninh năng lượng khi xăng dầu hiện tại chỉ được dự trữ đủ cho 5-7 ngày và các thương nhân thực hiện dự trữ thế nào đang là "ẩn số", như thừa nhân của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.

Phát biểu kết thúc hoạt động chất vấn ngày 16/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ cần xây dựng kịch bản đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng trong mọi tình huống, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Cần có những giải pháp tổng thể, kịp thời, căn cơ để giải quyết những vướng mắc của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc không thực hiện đầy đủ cam kết trong các hợp đồng về đầu tư, kinh doanh.

tm-img-alt
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Lưu ý tiếp theo từ Chủ tịch Quốc hội là cần nghiên cứu đề xuất mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu, nhất là dự trữ quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của doanh nghiệp.

Ông Vương Đình Huệ cũng yêu cầu tiếp tục điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát và điều chỉnh các loại thuế, phí, các yếu tố cấu thành giá cước mở, các định mức hao hụt, định mức chi phí, định mức lợi nhuận… cấu thành trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu cho phù hợp với thực tế, góp phần kiểm soát giá xăng dầu nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao. Sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.

Chính phủ sớm trình các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về giảm thuế môi trường đối với xăng dầu ngay tại đợt 2 của Phiên họp thứ 9 trong tháng 3 này, để tiến hành thực hiện ngay từ tháng 4, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Nếu giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp, theo Chủ tịch Quốc hội, bên cạnh kết hợp Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và điều hành bằng thuế, cần tiếp tục áp dụng các công cụ khác để kịp thời hỗ trợ người dân trước những khó khăn do ảnh hưởng của giá xăng dầu. Tiếp tục tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, trái quy định. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành thị trường xăng dầu.

TĂNG HẠN MỨC TÍN DỤNG CHO DOANH NGHIỆP ĐẦU MỐI XĂNG DẦU

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới đây đã có văn bản số 1509/NHNN-TD yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện một số giải pháp trong năm 2022, trong đó bao gồm việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, NHNN chỉ đạo các NHTM về việc chủ động cân đối nguồn vốn, xem xét tạo điều kiện tăng thêm hạn mức tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (theo danh sách công bố trên website của Bộ Công Thương), đặc biệt là các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm (danh sách công bố theo Quyết định của Bộ Công Thương) để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

tm-img-alt

Bên cạnh đó, NHNN đề nghị các NHTM đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cấp tín dụng; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp đảm bảo an toàn và tuân thủ các quy định pháp luật.

NHNN cho biết việc xem xét, thẩm định và quyết định cấp tín dụng, tăng thêm hạn mức tín dụng đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nêu trên thực hiện theo cơ chế tín dụng hiện hành. Trong trường hợp phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện, các NHTM kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN để được xem xét xử lý.

Ngoài ra, Thống đốc NHNN cũng yêu cầu chủ tịch HĐQT/tổng giám đốc các NHTM chỉ đạo sát sao trong toàn hệ thống; tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có đủ điều kiện theo quy định; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác tín dụng.

GIÁ XĂNG DẦU THẾ GIỚI ĐANG HẠ NHIỆT, TRONG NƯỚC DỰ BÁO GIẢM

Tại phiên giao dịch sáng ngày 16/3, dầu ghi nhận mức lỗ nặng liên tiếp 3 phiên đầu tuần. Cụ thể, dầu WTI giảm 0,22 USD/thùng tương ứng 0,23% xuống mức 96,22 USD/thùng; Dầu Brent giảm 0,25 USD/thùng tương ứng 0,25% xuống mức 99,66 USD/thùng.

Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda cho biết: “Những lo ngại về tăng trưởng từ làn sóng lạm phát Nga - Ukraine và hy vọng rằng tiến bộ sẽ đạt được trong các cuộc đàm phán giữa 2 nước này, đang đè nặng lên giá cả”.

Giới chuyên gia đánh giá, những động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19 cũng đang tác động đến giá cả. Quốc gia này là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, vì vậy bất kỳ sự sụt giảm nào về nhu cầu cũng sẽ ảnh hưởng đến giá cả.

Số ca nhiễm liên tục tăng mạnh trong những ngày gần đây có thể sẽ buộc chính phủ nước này thắt chặt hơn nữa các biện pháp phong tỏa hay kiểm soát dịch, và làm giảm nhu cầu đi lại cũng như tiêu thụ xăng dầu.

Bên cạnh đó, phát biểu của Tổng thống Ukraine cho biết họ phải chấp nhận thực tế sẽ không gia nhập NATO cũng làm tăng kỳ vọng các bên sẽ quay trở lại đàm phán trong tương lai gần. Ukraine từ bỏ ý định gia nhập NATO cũng chính là một trong những đòi hỏi của Nga để đổi lấy việc ngừng bắn.

Mặt khác, đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng có thể bổ sung thêm nhiều thùng dầu mới vào thị trường.

Trong khi, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ cho biết, tồn kho dầu thô tại Mỹ tăng mạnh 3,8 triệu thùng, cũng đang làm suy yếu tâm lý thị trường.

Trước những thông tin trên sẽ làm "dịu" cơn khát nguồn cung, giúp giảm giá thị trường kể từ sau khi nhiều nước đã cấm dầu từ Nga.

Các nhà phân tích nhận định, tuần này, nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ diễn biến xuất khẩu dầu của Nga, sau khi trào lưu bán chốt lời diễn ra vào tuần trước.

Giá bán các loại xăng dầu trong nước áp dụng mức được điều chỉnh từ 15h chiều ngày 11/3/2022.

Theo đó, giá xăng RON 95 tăng 2.990 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 2.910 đồng/lít so với giá kỳ trước.

Sau khi điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 không cao hơn 28.980 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 29.820 đồng/lít. Như vậy, cả xăng E5 RON 92 và giá xăng RON tiếp tục lập đỉnh mới.

Giá dầu cũng đồng loạt tăng trong kỳ điều chỉnh này. Cụ thể, giá dầu diesel tăng 3.950 đồng/lít, lên mức 25.260 đồng/lít; Dầu hoả tăng 3.940 đồng/lít lên mức 23.910 đồng/lít.

Một số doanh nghiệp xăng dầu đưa ra dự đoán, trong kỳ điều hành ngày 21/3 tới, giá xăng có thể được giữ nguyên hoặc giảm, nếu 6 ngày tới giá dầu thô tiếp tục giảm như hiện nay. Điều này còn tùy thuộc vào cơ quan điều hành tính toán có trích lập quỹ bình ổn hay không trong bối cảnh quỹ này của nhiều doanh nghiệp đầu mối đang âm nặng.

Bạn đang đọc bài viết Toàn cảnh xăng dầu - Câu chuyện làm nóng nghị trường Quốc hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3
Tăng giá trần vé máy bay nội địa, quy định về chuẩn quốc gia với cơ sở giáo dục đại học, thu phí khai thác sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 3/2024.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023