0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ bảy, 18/11/2023 09:17 (GMT+7)

Toàn cảnh vụ đấu giá 3 mỏ cát "bất thường" tại Hà Nội (Bài 3)

Sau vụ đấu giá 3 mỏ cát được gần 1.700 tỷ đồng ở Hà Nội, dư luận băn khoăn về mức giá cát trúng đấu giá lại lên đến gần 1 triệu đồng/m3, đồng thời tò mò về năng lực của các doanh nghiệp trúng thầu.

Toàn cảnh vụ đấu giá 3 mỏ cát "bất thường" tại Hà Nội (Bài 3) - Ảnh 1
Toàn cảnh vụ đấu giá 3 mỏ cát "bất thường" tại Hà Nội (Bài 3) - Ảnh 2

Như đã đưa tin trước đó, ngày 5/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) đã tổ chức Phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 điểm mỏ cát tại huyện Ba Vì và quận Bắc Từ Liêm gồm Châu Sơn, Tây Đằng và Liên Mạc.

Đây là cuộc đấu giá đạt hai kỷ lục, thứ nhất là kỷ lục về thời gian khi diễn ra xuyên đêm từ 9 giờ sáng hôm trước tới 5:33 sáng hôm sau (22 tiếng) mới kết thúc. Cùng với thời gian được xem là kỷ lục, giá cuối cùng được chốt của 3 mỏ cát cũng khiến chúng ta giật mình, với tổng cộng gần 1,690 tỷ đồng – gấp từ hàng chục tới hàng trăm lần giá khởi điểm.

Theo số liệu từ ban đấu giá, chênh lệch thấp nhất là mỏ cát Tây Đằng – Minh Châu có trữ lượng 4,899,000 m3 với giá khởi điểm 19.29 tỷ đồng nhưng trúng đấu giá 883,930 tỷ đồng – cao gấp gần 46 lần. Tiếp theo là mỏ Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì), trữ lượng cát được cấp quyền khai thác là 703.536 m3, giá khởi điểm là 2,881 tỷ đồng nhưng trúng đấu giá với giá trúng là 396,865 tỷ đồng, gấp hơn 137 lần giá khởi điểm.

Mức chênh lệch đó còn chưa là gì với giá trúng thầu của mỏ Thượng Cát, với trữ lượng hơn 508,000 m3. Ở giá khởi điểm 2 tỷ đồng, các nhà đấu giá đã kéo giá lên đến gần 410 tỷ đồng – cao gấp gần 200 lần giá khởi điểm (!?)

Toàn cảnh vụ đấu giá 3 mỏ cát "bất thường" tại Hà Nội (Bài 3) - Ảnh 3

Ngay sau khi các buổi đấu giá kết thúc, rất nhiều luồng dư luận đặt ra câu hỏi có thực sự các doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ xúc tiến dự án hay không. Nhất là khi nhiều ý kiến nêu nhận định với mức bỏ thầu "trên trời" như trên, doanh nghiệp khai thác rất khó có lãi.

So sánh với giá cát thị trường tại thời điểm hiện nay, giá cát xây dựng người dân mua vào khoảng 150,000 – 250,000 đồng/m3 tùy thời điểm; giá bán tại mỏ còn thấp hơn, chỉ dao động 60,000 – 80,000 đồng/m3.

Từ mức giá cát trên thị trường, ở góc độ tư duy kinh tế thông thường, không ai có thể hiểu vì sao lại đấu giá cao gấp nhiều lần giá thị trường như thế.

Chia sẻ với báo chí, Giám đốc một doanh nghiệp (đề nghị giấu tên) cho biết, đã phải "choáng váng" với mức trúng đấu giá của đối thủ. Vị này lấy ví dụ, với mỏ Liên Mạc, khi tham gia đấu giá, mức đầu tư chấp nhận được của doanh nghiệp là khoảng trên 100 tỷ. Nhưng theo được hơn 10 vòng thì phải bỏ do các đơn vị khác tiếp tục bỏ thầu lên cao.

Thực tế là mỗi doanh nghiệp có tính toán riêng. Với quy mô doanh nghiệp của chúng tôi thì khi tính bài ngắn, thấy thua lỗ nên phải rút. Ngược lại, có thể doanh nghiệp khác tính đường dài hơn. Ví dụ như ủ cát, bán nhỏ giọt để đợi giá thị trường tăng giá mới bán. Hoặc một số người tính toán rằng tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt, giá sẽ tăng gấp nhiều lần.

"Nhưng dù tính cách nào thì tương lai thua lỗ vẫn rõ rệt. Riêng với doanh nghiệp tôi, nếu tính giá hiện nay là 85.000 đồng, chưa bao gồm thuế, chẳng hiểu sao họ lại đấu cao như vậy. Đến giờ tôi vẫn không hiểu vấn đề là gì", Giám đốc doanh nghiệp này chia sẻ.

Toàn cảnh vụ đấu giá 3 mỏ cát "bất thường" tại Hà Nội (Bài 3) - Ảnh 4

Trước kết quả trúng đấu giá "cao bất thường" của 3 mỏ cát trên, ngày 11/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện giao Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chỉ đạo rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở 3 mỏ cát trên bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật.

Công điện của Thủ tướng nhân mạnh: “Tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm; kịp thời phát hiện sớm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi”.

Toàn cảnh vụ đấu giá 3 mỏ cát "bất thường" tại Hà Nội (Bài 3) - Ảnh 5
Trong 3 mỏ cát, mỏ Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì) có trữ lượng cát được cấp quyền khai thác là hơn 703.500m3.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 5/11, UBND thành phố đã có Công văn số 3861/UBND-TNMT yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì cùng các Sở, ngành và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở 3 mỏ cát trên theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo chặt chẽ, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng

UBND Thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phải kiểm tra, rà soát toàn bộ Giấy phép khai thác cát cấp trên địa bàn đã hết thời hạn khai thác, báo cáo hiện trạng, cơ sở pháp lý, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; nghĩa vụ tài chính về đất đai, môi trường, khoáng sản; đóng cửa mỏ theo quy định.

Trên cơ sở đó, báo cáo đề xuất UBND Thành phố đưa vào Kế hoạch khai thác khoáng sản của Thành phố đối với các mỏ còn trữ lượng khai thác nhưng hết thời hạn; không gia hạn giấy phép khai thác cát, không cấp giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật theo Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 5/9/2022 của UBND Thành phố.

Đối với các mỏ cát chưa hết thời hạn khai thác, UBND TP.Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật có liên quan của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác khoáng sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tổng hợp báo cáo và đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Công an Thành phố và UBND các quận, huyện tăng cường tuần tra, kiểm soát ngăn chặn, phát hiện, điều tra xử lý nghiêm hành vi khai thác cát, khoáng sản trái phép, báo cáo thường xuyên theo quy định.

Toàn cảnh vụ đấu giá 3 mỏ cát "bất thường" tại Hà Nội (Bài 3) - Ảnh 6

Sau vụ đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát tại Hà Nội, dư luận băn khoăn về đồng thời tò mò về năng lực của các doanh nghiệp trúng thầu.

Được biết, Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ KSP trúng đấu giá quyền khai thác đấu giá mỏ cát Liên Mạc (508.603m3, ở quận Bắc Từ Liêm) với giá 408,489 tỷ đồng, gấp 200 lần mức khởi điểm. Còn Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Việt Sơn trúng đấu giá quyền khai thác đấu giá mỏ cát Châu Sơn (703.536m3, ở xã Châu Sơn, huyện Ba Vì) với giá 396,865 tỷ đồng.

Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh trúng đấu giá quyền khai thác đấu giá mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu (4.899.000m3, ở huyện Ba Vì) với giá 883,930 tỷ đồng.

Toàn cảnh vụ đấu giá 3 mỏ cát "bất thường" tại Hà Nội (Bài 3) - Ảnh 7

Theo tìm hiểu, báo cáo tài chính năm 2022 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Sơn (Bắc Ninh) thể hiện năm 2021 và 2022, thuế thu nhập doanh nghiệp này phải nộp đều bằng 0. Lợi nhuận sau thuế liên tục âm khi năm 2021 âm 1,4 tỷ đồng, năm 2022 âm 653 triệu đồng.

Đáng chú ý là khoản đóng góp tiền mặt khiến cho tổng tài sản Việt Sơn tăng đột biến. Cụ thể, đầu năm 2022, tổng tài sản Việt Sơn là 30,7 tỷ đồng. Đến cuối năm, tài sản tăng đột biến lên 83 tỷ (tăng lên 52 tỷ đồng, tương đương 63%). Tiền mặt đầu năm 36,6 triệu, đến cuối năm tăng đột biến lên 52 tỷ đồng (1.955%), đến từ nguồn vốn góp của cổ đông.

Báo cáo tài chính Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh, doanh nghiệp trúng đấu giá quyền khai thác đấu giá mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu (huyện Ba Vì) cho thấy năm 2022, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 124 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp đóng là 348 triệu đồng.

Tiền mặt của Phúc Lộc Thịnh 8,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng tiền khá lớn của Phúc Lộc Thịnh nằm trong hàng tồn kho và khoản nợ của khách hàng. Cụ thể: tồn kho 30 tỷ đồng, phải thu của khách hàng 38 tỷ đồng, trả trước người bán 6,6 tỷ đồng, chiếm 59% doanh thu.

Toàn cảnh vụ đấu giá 3 mỏ cát "bất thường" tại Hà Nội (Bài 3) - Ảnh 8
Mỏ cát Liên Mạc nằm giữa sông Hồng, hiện cỏ lau tốt um tùm. (Ảnh: Dân trí)

Đáng chú ý nhất là Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ KSP, doanh nghiệp trúng đấu giá quyền khai thác đấu giá mỏ cát Liên Mạc ở quận Bắc Từ Liêm với giá 408,489 tỷ đồng, gấp 200 lần mức khởi điểm.

Theo thông tin đăng ký kinh doanh, KSP hoạt động ngày 26/9, tức là thành lập sau khi Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam ký ban hành thông báo mời tham gia đấu giá 3 mỏ cát vào ngày 8/9.

Doanh nghiệp này cũng có thay đổi nhanh chóng về nhân sự trước và sau khi trúng đấu giá. KSP có vốn điều lệ ban đầu gần 10 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Văn Phong (ở Định Công, quận Hoàng Mai) góp vốn 52%, ông Lê Sơn Tùng (ở Cao Viên, huyện Thanh Oai) góp 48%.

Trước thời điểm tham gia đấu giá gần 1 tháng, KSP nâng vốn điều lệ lên 50 tỷ đồng. Danh sách thành viên thêm ông Nguyễn Văn Định (ở Đại Thịnh, huyện Mê Linh) góp 5%, ông Đặng Hoàng Sơn (ở Di Trạch, Hoài Đức) góp 12%. Vốn của ông Nguyễn Văn Phong từ 52% tăng lên 68%, ông Lê Sơn Tùng từ 52% giảm còn 15%.

Sau thời gian đấu giá 2 ngày, ông Nguyễn Văn Phong cùng hai cổ đông mới là ông Nguyễn Văn Định và ông Đặng Hoàng Sơn thoái vốn khỏi công ty. Sở hữu vốn doanh nghiệp của các cá nhân lại thay đổi khi ông Lê Tùng Sơn sở hữu 16%, ông Nguyễn Văn Túc (Bình Dương, huyện Vĩnh Tường) 51%, bà Lê Khánh Linh (ở Tân Quang, TP Tuyên Quang) 33%.

Nhìn từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp không ít người tỏ ra băn khoăn, liệu các doanh nghiệp trúng đấu giá có xúc tiến được dự án hay không?

(Còn nữa)

Nội dung:Hà Lan

Thiết kế:Hải An

Bạn đang đọc bài viết Toàn cảnh vụ đấu giá 3 mỏ cát "bất thường" tại Hà Nội (Bài 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới