0915 15 67 76 [email protected]
Thứ sáu, 17/11/2023 09:10 (GMT+7)

Đấu giá khai thác cát, khi doanh nghiệp “bỏ cọc chạy lấy người” (Bài 2)

Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Thường trực Ủy ban Kinh tế xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội xem xét chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp 6.

Vụ bỏ cọc đấu giá mỏ cát 2.811 tỷ đồng trên sông Tiền

Hồi tháng 3/2021, dư luận từng 1 phen xôn xao trước thông tin 1 doanh nghiệp ở TP.HCM bỏ ra hơn 2.800 tỷ đồng để đấu giá mỏ cát ở tỉnh An Giang.

Theo đó, 26/3/2021, tỉnh An Giang tổ chức đấu giá công khai mỏ cát trên sông Tiền tại khu vực xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới với mức giá khởi điểm là 7,2 tỷ đồng.

Đấu giá khai thác cát, khi doanh nghiệp “bỏ cọc chạy lấy người” (Bài 2) - Ảnh 1
Sông Tiền đoạn qua xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới. Ảnh: VietNamNet.

Kết quả, Công ty T-S.Home (số 14, đường 11, khu dân cư Ven Sông, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM), do ông Hồ Quang Thái Dũng làm giám đốc đã trúng đấu giá quyền khai thác mở cát trên với số tiền 2.811 tỷ đồng, gấp 390 lần so với mức giá khởi điểm ban đầu.

Sau khi trúng thầu, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang yêu cầu Công ty T-S.HOME phải nộp 140 tỷ đồng trước khi được UBND tỉnh cấp giấy phép quyền khai thác khoáng sản. Đối với số tiền trúng đấu giá còn lại, công ty sẽ nộp trong 4 năm, mỗi năm nộp tạm tính hơn 667 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều tháng sau đó, phía đơn vị trúng thầu vẫn chưa chứng minh năng lực tài chính cũng như chưa nộp tiền trúng đấu giá lần đầu. Do vậy, ngành chức năng ở tỉnh An Giang đã ra thông báo lần 2 nhưng phía công ty lại đề xuất cho nộp lần đầu 50 tỷ đồng trước khi cấp phép khai thác, 90 tỉ đồng còn lại sẽ được nộp trong năm khai thác đầu tiên.

Trong trường hợp UBND tỉnh An Giang không chấp thuận đề xuất này thì công ty xin nhận lại tiền cọc sau khi trừ chi phí tổ chức đấu giá là hơn 700 triệu đồng.

Đến 12/2021, Công ty T-S.HOME có công văn về việc ngưng thực hiện thủ tục khai thác mỏ cát. Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang và Công ty T-S.HOME thống nhất thỏa thuận hủy kết quả đấu giá tài sản theo quy định pháp luật. Riêng số tiền hơn 1 tỷ đồng của Công ty T-S.HOME đã đặt cọc khi tham gia đấu giá sẽ không được trả lại.

Doanh nghiệp đấu giá mỏ cát ở Quảng Ngãi “bỏ của chạy lấy người”

Từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức đấu giá hàng chục mỏ cát, đá làm vật liệu xây dựng. Trong các đợt đấu giá này nhiều doanh nghiệp đua nhau đẩy giá lên cao đến chóng mặt. Sau đó, không ít doanh nghiệp trúng đấu giá đã "bỏ của chạy lấy người".

Cụ thể đợt tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản khu vực chưa có kết quả thăm dò đối với mỏ đá chẻ thôn Vĩnh Sơn (xã Tịnh Hòa, TP.Quảng Ngãi) của Công ty CP Thương mại 239.

Đồng thời, UBND tỉnh này cũng quyết định hủy kết quả trúng đấu giá đối với điểm bồi tụ cát thôn Bình Trung (xã Trà Bình, huyện Trà Bồng) của Công ty TNHH xây lắp cơ khí công nghiệp và dân dụng Thịnh Thiện. Việc này dựa trên đề nghị của doanh nghiệp trúng đấu giá.

Quyết định của UBND tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ, những doanh nghiệp xin hủy kết quả trúng đấu giá không được hoàn trả tiền đặt trước theo quy định.

Trước 2 doanh nghiệp này, cũng có 2 doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát xin hủy kết quả là Công ty Đầu tư và Phát triển THC Quảng Ngãi và Công ty TNHH Xây lắp và Thương mại Phú Cường.

Công ty THC Quảng Ngãi là đơn vị trúng đấu giá mỏ cát Ngân Giang có diện tích trên 6 ha, trữ lượng dự báo khoảng 122.000 m3. Mỏ cát này được Công ty đấu giá trúng với giá tạm tính khoảng 44 tỷ đồng, tăng khoảng 47 lần so với mức khởi điểm.

Còn Công ty Phú Cường trúng đấu giá mỏ cát Xuân Đình với giá tạm tính khoảng 16 tỷ đồng, gấp 28 lần so với khởi điểm. Mỏ cát này có diện tích trên 4,6 ha, trữ lượng dự báo 75.000 m3.

Lý do xin huỷ kết quả trúng đấu giá mỏ cát được 2 doanh nghiệp này đưa ra là, kết quả khảo sát trữ lượng thực tế không đạt so với trữ lượng dự báo. Do đó doanh nghiệp xin trả lại mỏ cát cho tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi cho biết, việc doanh nghiệp đấu giá cao rồi bỏ giữa chừng đã tạo ra tiền lệ xấu. Chế tài đầu tiên là các doanh nghiệp trả mỏ cát trên không được trả tiền cọc đấu giá. Chế tài tiếp theo đối với doanh nghiệp trúng đấu giá rồi bỏ chạy là không được tham gia đấu giá mỏ cát làm vật liệu trong thời gian một năm.

Chấp nhận mất 2,6 tỷ tiền cọc để xin hủy kết quả trúng đấu giá

Ngày 25/5/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Lê Đức Giang đã ký văn bản thống nhất với đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hoá về việc không ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá mỏ cát tại xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy vì đơn vị trúng đấu giá là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Sơn đã có đơn xin hủy kết quả trúng đấu giá.

Đấu giá khai thác cát, khi doanh nghiệp “bỏ cọc chạy lấy người” (Bài 2) - Ảnh 2
Sở Tài nguyên và Môi trường trao hoa chúc mừng các đơn vị trúng đấu giá các mỏ khoáng sản, trong đó có Tập đoàn Hùng Sơn trúng đấu giá mỏ cát xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy.

Theo đó, Tập đoàn Hùng Sơn đã có đơn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại mỏ cát nói trên và nhận mất toàn bộ số tiền đặt cọc hơn 2,6 tỷ đồng và không có bất kỳ khiếu nại nào.

Trước đó, sáng ngày 16/2/2023, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa đã công bố kết quả trúng đấu giá đối với 10 mỏ khoáng sản gồm 1 mỏ cát, 4 mỏ đất, 5 mỏ đá đã được các nhà đầu tư tham gia đấu giá bỏ giá kết thúc vào chiều ngày 15/2/2023. Kết quả, đối với mỏ cát xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy, diện tích mỏ 21,6 ha được nhà đầu tư là Tập đoàn Hùng Sơn trả giá trúng tăng 156%.

Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp này đã trúng đấu giá mỏ cát xã Cẩm Ngọc với giá quá cao so với thực tế, nếu đưa vào hoạt động khai thác chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị lỗ và giá cát tăng cao.

Phú Yên hủy 6 kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Phú Yên quyết định hủy 6 kết quả trúng đấu giá quyền khai thác mỏ khoáng sản đã được công nhận vào ngày 9/11/2022. Lý do là quá thời hạn quy định mà các công ty trúng đấu giá không nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản đối với khu vực trúng đấu giá.

Theo UBND tỉnh Phú Yên, các công ty này đã vi phạm điểm b, khoản 2, Điều 11, Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ; điều 2 tại các quyết định công nhận kết quả của UBND tỉnh.

Cùng với hủy kết quả trúng đấu giá, các doanh nghiệp đều bị mất số tiền đặt trước khi tham gia đấu giá.

Cụ thể, số tiền cọc mà Công ty TNHH Phước Cát Vàng mất là hơn 753 triệu đồng, doanh nghiệp này là đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác tại 2 mỏ cát xây dựng gồm mỏ sông Cái, thôn Tân Long, xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân (diện tích 5 ha, tài nguyên dự báo 150.000 m3) và mỏ sông Đà Rằng tại thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa (diện tích 10 ha, tài nguyên dự báo 300.000 m3).

Công ty Cát Vàng Phú Yên mất cọc hơn 502 triệu đồng, đơn vị này trúng đấu giá mỏ cát xây dựng sông Đà Rằng ở xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa (diện tích 10 ha, tài nguyên dự báo 300.000 m3).

Cuối cùng, công ty TNHH Xây dựng và Lắp đặt Thịnh Phát mất cọc 646 triệu đồng, công ty này trúng đấu giá quyền khai thác tại 3 mỏ sét gạch ngói gồm mỏ thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân (diện tích 6,3 ha, tài nguyên dự báo 100.000 m3); mỏ thôn Suối Cau, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa (diện tích 15 ha, tài nguyên dự báo 300.000 m3); mỏ thôn Đá Mài, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa (diện tích 3,29 ha, tài nguyên dự báo 85.000 m3).

Chiều nay 14/11, tại phiên họp giữa hai Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá việc người trúng đấu giá bỏ tiền đặt cọc là một vấn đề đang xảy ra trong việc đấu giá các loại tài sản đấu giá hiện nay.

Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã quy định người trúng đấu giá có trách nhiệm thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá (điểm b khoản 2 Điều 48); trường hợp bỏ tiền đặt cọc là vi phạm thoả thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và được thực hiện theo pháp luật về dân sự.

Để tăng cường kiểm soát, xử lý việc bỏ tiền đặt cọc tham gia đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu bổ sung quy định, chế tài xử lý việc bỏ tiền đặt cọc vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Đấu giá khai thác cát, khi doanh nghiệp “bỏ cọc chạy lấy người” (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3
Tăng giá trần vé máy bay nội địa, quy định về chuẩn quốc gia với cơ sở giáo dục đại học, thu phí khai thác sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 3/2024.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023