Tiêu chuẩn khắt khe dành cho nông sản xuất khẩu sang EU
Hiệp định EVFTA đã mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt. Tuy nhiên để có thể xuất sang EU, nông sản cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe về kỹ thuật, an toàn.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ba tháng đầu năm thường là chu kỳ giảm xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) do có nhiều ngày nghỉ của cả hai bên.
Thêm vào đó nhiều doanh nghiệp có tâm lý chờ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực mới xuất/nhập hàng để được hưởng ưu đãi thuế, cùng với những thông tin tiêu cực về suy giảm kinh tế do dịch bệnh COVID-19 khiến triển vọng tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU được dự báo rơi vào mức rất thấp trong quý I và quý II năm nay.
Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có Hiệp định EVFTA với EU. EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD. Tiềm năng này còn rất lớn vì EU hiện có 27 quốc gia nhưng thị trường chung này còn lớn hơn vì còn có thêm các thành viên không tham gia vào liên minh. Kinh tế của EU khá ổn định và đang trên đà phát triển. Vì vậy Hiệp định EVFTA được xem là “cơ hội vàng”, là “cú hích” lớn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản, đặc biệt với các nông sản thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
Theo các doanh nghiệp, các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam đang xuất khẩu tốt vào thị trường EU gồm: thủy sản, rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tiêu... Và cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này vào EU trong thời gian tới là rất lớn và có nhiều thuận lợi vì EVFTA có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các hiệp định thương mại đã được ký kết.
Ông Trần Văn Công, tham tán nông nghiệp Việt Nam tại EU cho biết hiện nay chúng ta là nước xuất khẩu nông sản đứng thứ hai sau Hoa Kỳ vào thị trường EU.
Cụ thể các nhóm hàng Việt Nam xuất sang EU là thủy sản. Thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này rất lớn với tổng thương mại mỗi năm 60 tỉ euro, còn Việt Nam mới xuất vào EU có 1,13 tỉ euro. Sau khi hiệp định có hiệu lực thì gần như các nhóm hàng thủy sản xuất vào EU được cắt giảm thuế. Tuy nhiên, các đối thủ như Thái Lan hay một số nước ở Nam Mỹ xuất khẩu thủy sản vào EU không có lợi thế này. Lợi thế này là rất lớn để tăng khả năng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU.
Nhóm hàng rau quả, EU mỗi năm cũng nhập 35 tỉ euro. Tuy nhiên, mỗi năm tổng kim ngạch rau củ quả mà chúng ta xuất sang EU chỉ 130 triệu euro. Mức này còn quá nhỏ so với nhu cầu của EU. Thực tế, EU đang có nhu cầu rất cao về nhóm hàng rau củ quả nhiệt đới.
Có một thuận lợi nữa, đối với hàng rau củ quả xuất sang EU, EU chỉ yêu cầu giấy kiểm dịch theo các lô hàng và áp dụng hậu kiểm về an toàn thực phẩm, chứ không áp dụng quy trình như một số các đối tác Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc là phải đánh giá rủi ro, sau đó cấp mã vùng trồng, cơ sở đóng gói; cử đoàn chuyên gia sang tận Việt Nam để giám sát kiểm dịch cho xuất khẩu đối với từng lô hàng. Việc này gây ra nhiều quy trình, tốn kém cho doanh nghiệp.
Những năm qua, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả Việt Nam vào EU tăng rất mạnh, bình quân mỗi năm khoảng 25%. Nên khi hiệp định có hiệu lực thì mặt nhóm hàng này có thuận lợi rất lớn để xuất khẩu vào thị trường EU.
Hay nhóm gạo, thị trường EU có nhu cầu gạo rất lớn với lượng tiêu thụ một năm khoảng 3,6 triệu tấn. Trong đó, lượng nhập khẩu khoảng 1,2-1,3 triệu tấn/ năm. Năm 2019, chúng ta mới xuất vào 50.000 tấn. Theo hiệp định EVFTA, EU mở hạn ngạch cho ta 80.000 tấn gạo. Lưu ý với doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trưởng EU cần phải đảm bảo tiêu chuẩn chứng nhận GlobalGap đối với sản phẩm trồng trọt. Ngoài đảm bảo an toàn thực phẩm phải đáp ứng yêu cầu về bảo toàn tài nguyên phát triển bền vững áp dụng vào quá trình sản xuất…
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo