Tiếp đà tăng, xuất khẩu thủy sản “hứa hẹn” tăng mạnh trong năm 2022
Mới đây, VDSC nhận định xuất khẩu thủy sản 2022 sẽ tiếp đà tăng nhờ nhu cầu cao và sản xuất trong nước phục hồi. Hơn nữa, việc giá bán tăng, cước vận tải hạ nhiệt sẽ tạo điều kiện tăng doanh thu và lợi nhuận cho các doanh nghiệp thủy sản.
Tiếp đà tăng trưởng, sản xuất phục hồi
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 8,9 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020.
Trước đó, xuất khẩu thủy sản giảm sâu trong quý III vì những khó khăn liên hoàn từ dịch COVID-19, cước vận tải tang, kèm theo những bất lợi khi Trung Quốc tăng cường kiểm soát thủy sản đông lạnh.
Trong báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết trong bức tranh xuất khẩu thủy sản năm 2021, thị trường Mỹ được coi là điểm sáng khi tốc độ phục hồi kinh tế nhanh và độ phủ sóng vắc xin cao.
Theo đó, thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ nhu cầu cao trong khi sản lượng nội địa của Mỹ giảm và giá thủy sản tại nước này tăng. Trái lại, thị trường châu Âu có thể tăng chậm hơn do sự cạnh tranh cao từ các nước xuất khẩu khác và những quy định hạn chế mới đối với biến thể Omicron.
Đáng chú ý, đối với thị trường Trung Quốc, VDSC nhận định sự phục hồi "không chắc chắn" do chính sách kiểm dịch đối với thủy sản đông lạnh nhập khẩu nhằm hạn chế sự lây lan COVID-19.
Với những tín hiệu thị trường, sản xuất trong nước phục hồi sẽ là những động lực giúp xuất khẩu thủy sản năm 2022 có thể đạt 8,9 tỷ USD, tương đương với năm 2021.
Nhiều sự hỗ trợ “đắc lực”: Giá bán tăng, cước vận tải hạ nhiệt
VDSC dự báo giá thủy sản xuất khẩu sẽ tăng mạnh khi nhu cầu nhập khẩu tăng, nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt.
Cụ thể, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu có thể thiếu nguyên liệu ít nhất trong quý I/2022 vì việc thả nuôi mới bị gián đoạn trong thời gian giãn cách xã hội ở các tỉnh ĐBSCL.
Được biết, tháng 11 vừa qua, giá cá tra đang dao động 23.500 đồng – 24.000 đồng/kg (loại 0,9 – 1,3 kg) tăng 2.000 – 3.500 đồng/kg và có thể tiếp tục leo thang trong nửa đầu năm 2022, sau đó hạ nhiệt dần vào nửa cuối năm 2022 khi nguồn cung trở nên dồi dào. Giá nguyên liệu tăng đã thúc đẩy giá cá tra tăng 30% so với tháng 9.
Tương tự, giá tôm tháng 11 dao động 100.000 - 110.000 đồng/kg, kéo theo giá tôm xuất khẩu dao động 9,5 USD/kg, tăng mạnh so với thời điểm giãn cách xã hội.
Bên cạnh yếu tố về giá, chi phí logistics hạ nhiệt có thể sẽ trở thành chất xúc tác quan trọng giúp các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam gia tăng lợi nhuận vào năm 2022.
Trao đổi về vấn đề này, World Composite Index cho biết, chi phí vận tải hàng hóa bắt đầu giảm vào tháng 11 sau khi đạt đỉnh trong tháng 9 và tháng 10. Giá cước vận tải đường biển năm 2022 khó trở lại ngưỡng trước đại dịch song sẽ thấp hơn so với năm 2021.
Đây là động lực cho các doanh nghiệp thủy sản đầu ngành đàm phán với đối tác chuyển hợp đồng vận chuyển từ CIF (người bán trả chi phí vận chuyển) sang FOB (người mua trả chi phí vận chuyển).
“Việc doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, cùng với diễn biến giá bán tăng, cước vận tải hạ nhiệt sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng doanh thu và biên lợi nhuận”, VDSC kỳ vọng.