Tiềm năng phát triển chuỗi cung ứng ‘từ trang trại đến bàn ăn’
Sự kết nối chuỗi cung ứng từ sản xuất đến người tiêu dùng đã và đang trở thành chìa khóa hiện thực hóa mô hình nông nghiệp hiện đại tại Việt Nam.
Hàng năm, tháng 6 là thời điểm nông sản Việt đồng loạt bước vào mùa vụ thu hoạch ở nhiều địa phương trên cả nước. Để chủ động tìm đầu ra cho nông sản, không ít địa phương đã sẵn sàng phương án tiêu thụ, nhất là liên kết doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Cụ thể, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, ngoài những nỗ lực kết nối của chính quyền địa phương, nhiều cá nhân như nhà vườn, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu nông sản, đơn vị xuất khẩu… cũng tự thân vận động “chào hàng trực tuyến” trên thị trường thương mại điện tử trong và ngoài nước. Đặc biệt, không ít đơn vị sản xuất, cung ứng nông sản đã nhanh chóng hòa cùng dòng chảy chung của thị trường thương mại điện tử đang ngày càng trở thành kênh mua sắm phổ biến của người tiêu dùng.
Mô hình chuỗi cung ứng "từ trang trại đến bàn ăn" dần trở thành xu thế tất yếu. Ảnh minh họa.
Sự kết nối chuỗi cung ứng từ sản xuất đến người tiêu dùng đã và đang trở thành chìa khóa hiện thực hóa mô hình nông nghiệp hiện đại tại Việt Nam trước tác động của dịch Covid-19 thời gian qua.
Trong đó, có thể kể đến mô hình quản trị nông nghiệp mới mang tên 3F, gồm: Feed – Farm – Food (từ trang trại đến bàn ăn), với mục tiêu cốt lõi tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng và vận chuyển đến tay người tiêu dùng, nhưng vẫn đảm bảo độ tươi ngon như khi còn ở trang trại.
Ông Phan Bình, Giám đốc Thương hiệu chuyển phát nhanh quốc tế J&T Express nhận định, trong xu thế trực tuyến mạnh mẽ như hiện nay, doanh nghiệp chuyển phát nhanh, sàn thương mại điện tử, người nông dân hay KOC (người tiêu dùng chủ chốt) đều giữ vị trí cân bằng. Doanh nghiệp phải bắt tay nhau tạo ra giải pháp toàn diện, chỉ dẫn cho người nông dân, mở đường cho hoạt động giao thương của người bán trở nên thuận lợi hơn, tránh tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào một số đơn vị.
"Hiện, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước như: Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)... đều đang chọn hướng phát triển mô hình 3F nhằm đón lấy cơ hội phát triển."
Những nỗ lực trong việc hỗ trợ nông sản Việt thông qua liên kết các bên trong chuỗi cung ứng từ sản xuất đến vận chuyển ra thị trường tiêu thụ đã tạo thuận tiện cho bà con nông dân tìm hướng giải quyết đầu ra cho nông sản, nhất là vào giai đoạn mùa vụ thu hoạch. Đơn vị chuyển phát nhanh, vận chuyển còn là khâu quan trọng, hỗ trợ tiêu thụ, thu hoạch và đóng gói hàng hóa theo chuẩn quy định; đảm bảo chất lượng vận chuyển đến tay người tiêu dùng; giúp người nông dân có thể làm chủ giá cả mà không cần thông qua bất cứ đơn vị trung gian nào khác.
Song song với các lợi thế thì mô hình “từ trang trại đến bàn ăn” cũng đang gặp phải không ít rào cản. Đơn cử như đối với mô hình có quy mô nhỏ, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nhiều hơn vì sản phẩm hạn chế, không đủ đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Tiếp đó, dịch bệnh hoành hành, thu nhập của người tiêu dùng giảm nên họ có xu hướng thắt chặt chi tiêu, trong khi sản phẩm của mô hình 3F thường có giá cao...
Có thể nói, mô hình “từ trang trại đến bàn ăn” đã và đang trở thành xu hướng sản xuất, tiêu dùng phổ biến. Chính vì thế, nếu các doanh nghiệp có đủ điều kiện vượt qua rào cản, việc nắm bắt và lựa chọn xu thế này có thể xem là kim chỉ nam giúp các doanh nghiệp nông nghiệp không ngừng phát triển trong không gian kinh tế mở, nhiều cơ hội và cũng đầy thách thức như hiện tại.
Thanh Tùng