Thực thi EVFTA: Cấp gần 15.000 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 15.000 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 700 triệu USD đi 28 nước EU.
Thực thi EVFTA: Cấp gần 15.000 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa |
Theo thống kê, các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 xuất khẩu sang EU chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, vali, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử...
Thị trường nhập khẩu các dòng sản phẩm này đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Anh, Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp; nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi. Điều này cho thấy, mức độ quan tâm của doanh nghiệp cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với xuất khẩu của Việt Nam.
Chỉ tính riêng tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7 và tăng 4,2% so với cùng kỳ qua đó nâng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU đạt 22,76 tỷ USD (tăng gần 500 triệu USD so với bình quân 7 tháng đầu năm).
Sang tháng 9, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tiếp tục duy trì với mức tăng 14,4% so với cùng kỳ.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau gần 2 tháng EVFTA được thực thi. Điển hình, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7; kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu tôm tháng 8/2020 tăng 15,7% so với cùng kỳ (đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay).
Lô hàng đầu tiên gồm 20.000 quả dừa tươi, 12 tấn bưởi da xanh và 3 tấn thanh long xuất khẩu sang EU Hiệp định EVFTA vào ngày 17/9 |
Bên cạnh thủy sản, gạo Việt xuất khẩu sang châu Âu cũng có những tín hiệu khả quan khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80 - 200 USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng khác như điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị phụ tùng, dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ, cà phê… cũng đang được nhận định kỳ vọng lớn trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này thời gian tới.
Từ nay đến cuối năm 2020, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thông tin tuyên truyền mạnh mẽ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tận dụng hiệu quả các cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định EVFTA.
Đặc biệt, Bộ Công Thương tiếp tục đôn đốc, tổng hợp Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của các Bộ, ngành, địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, triển khai các Kế hoạch này.
Mặt khác, Bộ Công Thương còn tổ chức tuyên truyền, phổ biến các cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phương án cam kết cắt giảm/xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa và các cam kết về tiếp cận thị trường của Hiệp định EVFTA để nâng cao sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về các cam kết của Hiệp định.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm