Thúc đẩy sản xuất cây vừng ổn định và bền vững ở Nghệ An
Vừa qua, hội thảo “Sản xuất vừng bền vững Việt Nam - Hàn Quốc” đã được tổ chức thành công.
Vừng là cây công nghiệp, thực phẩm ngắn ngày có giá trị dinh dưỡng cao và là loại cây lấy hạt có dầu quan trọng và lâu đời, được trồng tại 70 quốc gia với diện tích khoảng 11,743 triệu ha; sản phẩm vừng được nhiều quốc gia tiêu thụ, trong đó thị trường Hàn Quốc ưa chuộng nhất.
Tại Việt Nam thị trường phát triển cây vừng rất lớn |
Qua khảo sát tại Việt Nam, nhờ khả năng thích nghi rộng, dễ trồng, kinh phí đầu tư thấp, phù hợp với khả năng kinh tế của nhà nông nên vừng được trồng trên hầu hết các vùng sinh thái. Dù vậy, từ năm 2015 trở lại đây diện tích vừng cả nước có chiều hướng giảm mạnh, từ 54,84 nghìn ha xuống còn 31,18 nghìn ha (2019), năng suất bình quân khá thấp, tầm 0,8 tấn/ha.
Nghệ An là tỉnh có diện tích vừng lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ, với 3.500 ha. Hiện tỉnh có một số giống vừng chất lượng cao như V6, VĐ11...hàng năm, sản lượng vừng của Nghệ An đạt khoảng 1.700 tấn.
Vừng là sản phẩm có dinh dưỡng cao nên Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêu thụ 13,5 kg/năm/người. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ đạt 7 kg/người. Thời gian qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các cây trồng khác nên năng suất và diện tích vừng có xu hướng ngày càng giảm. Bên cạnh đó, do ít được quan tâm đầu tư nên nguồn giống và gen vừng có xu hướng thoái hóa…
Nghệ An có nhiều tiềm năng để phát triển cây vừng bền vững |
Vừa qua, tại TP. Vinh (Nghệ An), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Nghệ An tổ chức Hội thảo Việt Nam - Hàn Quốc về sản xuất vừng bền vững tại Việt Nam.
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam về cơ khí hóa canh tác vừng tại Hàn Quốc; hiện trạng và giải pháp pháp triển cây vừng ở Việt Nam; vai trò của khuyến nông trong sản xuất vừng bền vững; thảo luận các kết quả nghiên cứu về giống, kỹ thuật canh tác, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và chế biến vừng tại Nghệ An; chia sẻ kinh nghiệm về phát triển chuỗi giá trị vừng và mối liên kết giữa bên liên quan trong sản xuất vừng.
Tại hội thảo, đại diện Cục Trồng trọt, Viện Khoa học nông nghiệp, Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu, chuyên gia nông nghiệp Hàn Quốc, đại diện Sở NN&PTNT Nghệ An và một số doanh nghiệp kinh doanh, chế biến vừng trên địa bàn Nghệ An phát biểu nêu thực trạng và một số kết quả bước đầu trong nghiên cứu, đưa cây vừng vào chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm