0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ ba, 21/04/2020 06:49 (GMT+7)

Nâng tầm sản phẩm OCOP: Đưa nông sản lên sàn giao dịch

Hàng loạt sàn giao dịch nông sản được mở thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy tính chuyên môn hóa của đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản.

Sàn giao dịch nông sản - chìa khóa mở cửa lớn

Thời gian gần đây đánh dấu bước chuyển mình của nông sản Việt Nam khi hàng loạt các sàn giao dịch nông sản từ bắc tới nam được ra đời. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy tính chuyên môn hóa của đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản. Đồng thời giúp người tiêu dùng và các đối tác trong, ngoài nước dễ dàng tiếp cận với sản phẩm.


vc

Bà Phùng Thị Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path


Liên quan tới việc mở rộng sàn giao dịch nông sản, bà Phùng Thị Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam nhận định: Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) đem lại cơ hội lớn khi thuế hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU sẽ dần giảm xuống về 0%. Đây là cơ hội mà doanh nghiệp nào cũng có thể nhìn thấy và doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh được. Song cũng đặt ra không ít thách thức khó khăn bởi hàng rào về tiêu chuẩn ở một số quy định mà chúng ta đang hoàn thiện để hội nhập.

Khi mà tất cả các cánh cửa thương mại đã mở rồi thì Chính phủ cần đẩy mạnh kết nối để Việt Nam có các sàn giao dịch quốc tế về nông sản. Từ đó, doanh nhiệp sẽ có sự chủ động để tương tác với thế giới thông qua hệ thống sàn giao dịch điện tử. Doanh nghiệp có thể nắm được thông tin khách hàng, mở rộng được khối lượng người mua một cách chủ động.

Trước đó, PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi (chuyên gia kinh tế, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen) cũng cho rằng giao dịch nông sản qua sàn giúp người sản xuất có nơi bán hàng, chống tình trạng độc quyền mua dẫn đến ép giá. Các nước phát triển là làm điều này từ rất lâu.

Hướng đi đúng đắn

Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chủ động tìm đến các sàn giao dịch để đăng ký, tìm đầu ra cho mình.

Đây là động thái cho thấy chủ doanh nghiệp đang nhận thức rất rõ việc thương mại điện tử là hướng đi mới giúp sản phẩm nông nghiệp, trong đó có cạnh tranh trên thị trường và kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, nhờ đó đã tiếp cận được với các kênh phân phối lớn.

Thực tế ghi nhận, việc đưa nông sản lên sàn giao dịch đã giúp các đơn vị sản xuất cũng như doanh nghiệp địa phương quảng bá, mở rộng thị trường và tạo sự thuận tiện hơn với người mua. Không chỉ trên sàn thương mại điện tử của tỉnh, nhiều đơn vị còn chủ động tiếp cận các sàn khác như Voso.vn, gcaeco.vn, postmart.vn…


Thông tin từ HTX Chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch, xã Kim Phượng, huyện Định Hóa, Thái Nguyên, năm 2018, thông qua sàn thương mại điện tử của tỉnh, HTX đã tiếp nhận hàng trăm đơn hàng từ các tỉnh miền Bắc, Trung, Nam mua sản phẩm mỳ gạo bao thai. Nhờ đó qua 2 năm, HTX đã tiêu thụ trên 6 tấn mỳ gạo bằng hình thức này.


vdv

Sản phẩm OCOP tại Thái Nguyên


Chị Phạm Thị Thủy, Chủ nhiệm HTX Chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên cho biết, tháng 07/2019, sau khi Hội Nông dân tỉnh có chương trình về việc quảng bá, giới thiệu và cung cấp nông sản trên sàn Voso.vn, HTX đã đăng ký để đưa sản phẩm chè lên sàn. Từ khi tham gia sàn giao dịch điện tử và được hỗ trợ thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, các sản phẩm chè của HTX được thị trường ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn, đối tác cũng được mở rộng, do vậy mà số lượng hàng hóa sản xuất, tiêu thụ đã tăng lên đáng kể.

Anh Hà Quang Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công thương Thái Nguyên) cho biết: Sàn thương mại điện tử giúp doanh nghiệp, HTX, nông dân có điều kiện tham gia phân phối sản phẩm nông sản an toàn cho cộng đồng qua hình thức bán hàng trực tuyến.

Đây cũng là kênh thông tin giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm của mình trên hệ thống chợ thương mại điện tử một cách dễ dàng, thuận lợi, chi phí thấp hoặc miễn phí...

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuân - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, trong thời đại công nghiệp 4.0, việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ đang thực sự trở thành một xu thế kinh doanh tất yếu, rất cần thiết. Để kinh doanh nông sản, đòi hỏi nhiều yếu tố, ngoài việc sản xuất theo hình thức tập trung, có truy xuất nguồn gốc, mã code, đạt quy chuẩn an toàn thì việc giới thiệu sản phẩm cho các đối tác để ký kết rất quan trọng. Do đó, thời gian tới, cần đẩy mạnh hoạt động đưa nông sản an toàn lên nhiều sàn giao dịch điện tử. Hội Nông dân tỉnh sẽ tăng cường sự phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác triển khai, kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm trên thị trường.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX triển khai truy xuất nguồn gốc điện tử, xây dựng website quảng bá sản phẩm để nâng cao tính minh bạch, tính cạnh tranh và phát triển bền vững thương hiệu.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Nâng tầm sản phẩm OCOP: Đưa nông sản lên sàn giao dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới