Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong ngành lâm, thủy sản
Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản.
Theo thông báo, từ cuối năm 2022, đặc biệt là 3 tháng đầu năm nay, cùng với khó khăn chung của các ngành, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản, thuỷ sản đều giảm mạnh so với cùng kỳ (khoảng 27-28%).
Tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, số lượng đơn hàng của doanh nghiệp giảm mạnh. Các thị trường xuất khẩu đều bị co hẹp trong khi hiện hai lĩnh vực này chiếm tới 53,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp.
Vì vậy Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng quản lý nhà nước, thẩm quyền, tích cực chủ động phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả cùng các hiệp hội, doanh nghiệp quyết liệt thực hiện các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản.
Cụ thể, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; tiết kiệm chi phí sản xuất để tăng sức cạnh tranh; cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tránh gây sách nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách liên quan đến hoàn thuế VAT; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật, đảm bảo thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc thủy sản, lâm sản; triển khai các biện pháp chống gian lận xuất xứ hàng hóa trong chế biến, tiêu thụ thủy sản, lâm sản, đồng thời, đẩy mạnh tiêu dùng trong nước.
Thủ tướng cũng giao nhiều nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội liên quan, đi cùng với thời hạn hoàn thành. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" IUU của Ủy ban châu Âu; tìm kiếm, xúc tiến thị trường mới cho nông sản Việt Nam.
Bộ Tài chính khẩn trương trình cấp có thẩm quyền xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023. UBND các tỉnh, thành phố định kỳ (hoặc đột xuất) tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thực hiện ba đột phá về chiến lược: đào tạo nguồn nhân lực, thể chế, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông để giảm chi phí Logistic, điện để đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong ngành lâm sản và thủy sản, coi đây là một trong những đột phá để thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng và phát triển bền vững; các doanh nghiệp chủ động vươn lên, tự thiết kế mẫu mã các sản phẩm có mẫu mã độc đáo, nâng cao chất lượng, đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng thay vì chỉ gia công theo đặt hàng với mẫu mã của nước ngoài.
Thanh Tú