Thị trường nội địa giúp Việt Nam vượt qua các cú sốc kinh tế bên ngoài
Việt Nam không lựa chọn nền kinh tế đóng mà luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, tự tin xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Trong bối cảnh các yếu tố địa chính trị, kinh tế, tài chính toàn cầu biến động phức tạp, khó lường, việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết, tạo nền tảng phục hồi và phát triển bền vững.
Tăng trưởng kinh tế dựa vào thị trường nội địa, cùng việc duy trì nền kinh tế vĩ mô ổn định cũng đã giúp Việt Nam trở thành "Vùng an toàn kinh tế"...
Dự trữ ngoại tệ lớn, xuất siêu cao, thu ngân sách tăng mạnh... đang giúp cho áp lực bội chi và vay nợ của Chính phủ có chiều hướng giảm nhanh. Cơ cấu nợi công đang chuyển mạnh từ vay nợ nước ngoài sang vay nợ trong nước đã hạn chế được rủi ro cho nền kinh tế trước những biến động tiền tệ, tỷ giá trên thế giới. Những điều này cộng với đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế cao, nguồn lực của đất nước ngày càng được củng cố đã giúp cho nợ công được hoàn toàn kiểm soát theo mục tiêu đã được Quốc hội đề ra và đảm bảo cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.
Vượt qua những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, thu ngân sách Nhà nước năm 2021 vẫn tăng 3,7% so với năm 2020 và tăng cao hơn tăng trưởng kinh tế. Còn trong 9 tháng qua, tổng thu thu ngân sách Nhà nước cũng vượt dự kiến khi đã gần đạt kế hoạch cả năm và thu đang vượt chi gần 300.000 tỷ đồng, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Ông Andrew Jeffres - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam cho hay: "Thu, chi ngân sách vượt kế hoạch, bội chi ngân sách nằm trong tầm kiểm soát. Như vậy, Việt Nam có dư địa tài khoá để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Trong khi nợ công hiện 43% trên tổng GDP, mức gần như thấp nhất ở châu Á. Những yếu tố này giúp sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc kinh tế bên ngoài".
Bộ Tài chính cho hay, tuy đồng USD tăng giá nhưng nhờ đồng Yen và Euro giảm giá mạnh nên nợ công của Việt Nam năm nay ước giảm 57.000 tỷ đồng so với năm ngoái.
Lượng ngoại tệ thu về tăng mạnh nhờ xuất siêu 9 tháng qua đạt gần 7 tỷ USD, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài cao nhất từ trước đến nay với 15,4 tỷ USD, cộng với tốc độ tăng trưởng dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện cao gấp 10 lần so với 12 năm trước đã hỗ trợ rất tốt cho chi trả nợ công và đảm bảo thặng dư cán cân thanh toán quốc tế.
Theo đánh giá của ông Nishad Majmudar - Chuyên gia chính Xếp hạng tín nhiệm Quốc gia của Moody's: "Việt Nam đã có sự cải thiện đáng chú ý về cấu trúc tài khoá, đặc biệt là nợ công. Điển hình là qua đại dịch, mức độ sẵn sàng về tài khoá để hỗ trợ khẩn cấp cho nền kinh tế của Việt Nam là tốt hơn so với các quốc gia trong khu vực. Nhờ đó mà nợ công không chịu áp lực đáng kể trong 2-3 năm qua. Do đó, chúng tôi dự báo tỷ lệ nợ công của Việt Nam, chưa tính bảo lãnh Chính phủ sẽ chỉ dao động ở mức 39% GDP trong vài năm tới".
Điều này cũng có nghĩa, dư địa nợ công của Việt Nam còn tương đối rộng, do có khoảng cách khá xa so với trần Quốc hội cho phép là 65% GDP.
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho hay: "Chúng ta đã cải cách rất mạnh mẽ quản lý nợ công. Chúng ta đã kiểm soát được nợ công và dư địa nợ công tương đối rộng để có sự co giãn trong thực hiện các chính sách".
Hiện đồng USD hiện đã tăng giá gần 20% so với đầu năm nhưng đồng Việt Nam chỉ sụt giá chưa bằng 1/4 mức này đã cho thấy hiệu quả trong sự nỗ lực của Chính phủ nhằm ổn định giá trị của đồng Việt Nam. Nhờ vậy, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia ít ỏi trên thế giới có chính sách lãi suất cao hơn tỷ lệ lạm phát. Tăng trưởng kinh tế dựa vào thị trường nội địa, cùng việc duy trì nền kinh tế vĩ mô ổn định cũng đã giúp Việt Nam trở thành "Vùng an toàn kinh tế" trong số các nền kinh tế thị trường mới nổi trên thế giới.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương mới đây cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu, xây dựng Kế hoạch năm 2023, dự kiến xác định 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, trên cơ sở bám sát các mục tiêu phát triển trong cả giai đoạn 2021-2025, dự báo khả năng đạt được năm 2022, phấn đấu kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp để tạo dư địa điều hành tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ và phát triển lao động-việc làm, phát triển các lĩnh vực xã hội, tiếp tục nâng cao đời sống người dân.
Huyền Diệu