Thị trường lao động phát triển linh hoạt, bền vững
Hiện nay, mặc dù chất lượng lao động ngày càng nâng cao, tỷ lệ qua đào tạo tăng qua từng năm, nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng hơn 20%. Tỷ lệ này so với các nước có thu nhập trung bình còn quá thấp.
Cuối tuần vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập".
Hội nghị cũng là dịp để các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế "hiến kế" phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập.
Tại hội nghị, Thủ tướng đã nhấn mạnh các giải pháp cụ thể về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường lao động trong thời gian tới.
Hội nghị được tổ chức nhằm tìm ra lời giải cho những thách thức với thị trường lao động trong thời gian qua khi thực tế, thị trường lao động ở Việt Nam dù đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, ngày càng hoàn thiện, nhưng vẫn còn thiếu tính linh hoạt, chưa thật bền vững, vì vậy rất cần những giải pháp bài bản để phát triển thị trường này, góp phần phục hồi nhanh, phát triển kinh tế bền vững.
Mặc dù chất lượng lao động hiện nay ngày càng nâng cao, tỷ lệ qua đào tạo tăng qua từng năm, nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng hơn 20%. Tỷ lệ này so với các nước có thu nhập trung bình còn quá thấp. Bởi vậy, theo đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nắm bắt nhu cầu thị trường là vấn đề trọng tâm để phát triển bền vững chất lượng lao động.
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho hay: "Trong thời gian tới, chúng ta phải xác định được yêu cầu của thị trường lao động cả số lượng, chất lượng chuyển dịch như thế nào, xuất phát từ chuyển dịch cơ cấu đầu tư và quá trình hiện đại hóa, từ đó xác định với nguồn nhân lực như vậy phải đào tạo nâng cao chất lượng giáo dục".
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, sau ảnh hưởng từ dịch Covid-19, các doanh nghiệp, địa phương đã tập trung tuyên truyền để động viên người lao động quay trở lại làm việc. Ngoài ra, mức lương thưởng cũng được cân nhắc điều chỉnh phù hợp để thu hút lao động.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhận định: "Để đạt được kết quả như mong muốn, thời gian tới, chúng tôi đề xuất đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động, coi đây là nhiệ vụ trọng tâm. Cùng với đó, các doanh nghiệp phải cải thiện lương thu nhập cho người lao động để họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Các điều kiện hỗ trợ hạ tầng nhà ở, nhà trẻ cần phải được quan tâm giúp người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp".
Tiến sĩ Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, nhấn mạnh: "Chính phủ cùng với các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm sao để tạo cơ chế khuyến khích tốt nhất tạo nên việc làm cho người lao động, làm thế nào giữ chân được người lao động, cần phải có thể chế đảm bảo được sự chuyển động của thị trường lao động hiện nay".
Tại hội nghị vừa qua, trong 9 giải pháp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phát triển thị trường lao động bền vững, có tới 4 giải pháp liên quan đến giáo dục nghề nghiệp. Chính phủ đang dành khoảng 2.000 tỷ đồng cho việc đào tạo, dạy nghề và dự kiến sẽ bố trí thêm.
Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chủ trương, chính sách và đề án cụ thể về đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân lao động cũng như hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo chuyên môn, kỹ năng, kỷ luật, văn hóa và nâng cao nhận thức cho lực lượng lao động phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, yêu cầu thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài; phối hợp với các tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để đào tạo theo “đơn đặt hàng”;...
Huyền Diệu